Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri về quản lý, sử dụng vốn vay nợ công
Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố: An Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thái Bình về quản lý, sử dụng vốn vay nợ công.
Gửi tới Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, cử tri các địa phương kiến nghị những nội dung sau:
- Cử tri bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề nợ công của nước ta còn cao. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo nợ công của đất nước ở mức an toàn.
- Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa tin Việt Nam vay Trung Quốc 300 triệu đôla để xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Cử tri lo lắng hiện nay nợ công, nợ xấu còn quá lớn gần đến vượt ngưỡng, nay tiếp tục vay nợ nước ngoài, hậu quả con cháu sẽ gánh trả nợ. Vấn đề này cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục nợ công, nợ xấu đồng thời nghiên cứu khả năng, tiềm lực của đất nước trước khi quyết định vay vốn nước ngoài. Cũng có ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét kỷ có nên vay nợ để đầu tư cơ sở hạ tầng không? trong khi nợ công đã vượt ngưỡng cho phép, kinh tế đất nước đang khó khăn!
- Cử tri lo lắng về tình hình bội chi ngân sách nhà nước, nợ công... Đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp để đảm bảo nợ công của đất nước ở mức an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp sử dụng khoản vay Chính phủ lãng phí, không hiệu quả, xác định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm và thông tin cho cử tri được biết; chú trọng tập trung thực hiện việc thu chi ngân sách nhà nước cho phù hợp, tránh đầu tư lãng phí gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
- Cử tri tiếp tục lo lắng trước tình hình nợ công cao hiện nay vì đây là vấn đề rất hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm kiểm soát chặt chẽ về nợ công, thực hiện các giải pháp hiệu quả để tiết kiệm nguồn ngân sách trên tất cả các lĩnh vực; cần xem xét trách nhiệm cụ thể trong việc để bội chi ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm.
- Đề nghị nghiên cứu, bố trí nguồn vốn khác để trả được nợ gốc, thay vì đi vay nước ngoài để trả nợ.
Về vấn đề này, tại Công văn số 1788/BTC-QLN ngày 13/02/2017, Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri như sau:
Thực hiện chiến lược huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tranh thủ nguồn ODA, vay ưu đãi đồng thời phát hành các loại trái phiếu ở thị trường trong nước để cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển.
Nguồn vốn vay đã bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội (73% vốn vay sử dụng trực tiếp cho các chương trình, dự án giao thông vận tải, môi trường và phát triển đô thị, ngành năng lượng và công nghiệp; 9,5% vốn vay sử dụng cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, 4% vốn vay cho y tế, xã hội ; 2,9% cho giáo dục và đào tạo), thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên thực tế, rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường trên phạm vi cả nước đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, do bội chi ngân sách còn cao, nhu cầu vốn đầu tư phát triển lớn nên nợ công tăng nhanh (khoảng 18,4% trong giai đoạn 2011-2015) và ước nợ công đến cuối năm 2016 là 64,73%GDP. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, hiệu quả sử dụng vốn vay của một số chương trình, dự án đầu tư còn có bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ, nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn là những thách thức đặt ra trong quản lý nợ công của nước ta. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ văn bản số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 báo cáo Quốc hội về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bộ Tài chính đang cùng các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt chủ trương, giải pháp tại 02 Nghị quyết này nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, cụ thể như sau:
- Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công; nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
- Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi và nợ của chính quyền địa phương, bảo đảm dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn.
- Giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tập trung ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách, kể cả sử dụng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước và vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng .
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
Hiện nay, nội dung sửa đổi Luật quản lý nợ công năm 2009 đã được Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV năm 2017. Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua (dự kiến tháng 10/2017) theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện.