Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri về quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử

PV.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) để chống thất thu ngân sách nhà nước.

Để quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh này, cùng với việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành. Nguồn: internet
Để quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh này, cùng với việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành. Nguồn: internet

Tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang, Bộ Tài chính cho biết, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật thuế, Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Theo đó, đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TMĐT, nếu doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên thì nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (với mức thuế suất tương ứng với từng loại hàng hoá, dịch vụ quy định tại Luật thuế GTGT); Trường hợp doanh thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng thì nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp (với tỷ lệ % tương ứng với từng hoạt động quy định tại Luật thuế GTGT); Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp kê khai (thuế TNDN phải nộp theo mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế).

Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, người mua sản phẩm TMĐT là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, theo quy định tại Luật thuế GTGT, Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên.

Trong công tác quản lý thu thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16/6/2017 gửi các tỉnh, thành phố đề nghị: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động TMĐT; Rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động TMĐT phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương; Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các doanh nghiệp có kinh doanh TMĐT nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ, hoạt động kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa bao quát và kiểm soát nguồn thu phát sinh từ hoạt động TMĐT, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới, cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT.

Theo Bộ Tài chính, để quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh này, cùng với việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành gắn với nội dung quản lý chuyên ngành.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán, xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong TMĐT.
Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý đối với hoạt động TMĐT như: Kết nối và chia sẻ cung cấp thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT phải báo cáo theo quy định của pháp luật, sửa đổi văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực do các Bộ chủ trì để phù hợp với hoạt động kinh doanh TMĐT...