Quản lý thuế thương mại điện tử khó nhưng không phải không thực hiện được
Những năm gần đây, kinh doanh trong nền kinh tế số nói chung và hoạt động thương mại điện tử nói riêng phát triển mạnh. Do tính chất đặc thù không cần cơ sở thường trú, không có sự hiện diện pháp nhân nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định “quản lý thuế đối với thương mại điện tử khó, nhưng không phải không thực hiện được”.
Khó khăn trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Tính đến nay, các loại hình kinh doanh thương mại điện tử mới nhất trên thế giới như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải Uber, Grab, đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, quảng các trực tuyến trên Google, Facebook... đều đã có mặt ở Việt Nam.
Trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hay các cá nhân kinh doanh qua mạng hàng năm đang thu được một nguồn lợi lớn từ thị trường Việt Nam, thì cơ quan thuế vẫn rất khó trong việc tìm ra giải pháp để buộc các tổ chức, cá nhân này đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Lý giải rõ hơn về những khó khăn này, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết; nếu như trước đây, một doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại Việt Nam phải có cơ sở thường trú, có sự hiện diện trên thực địa cả về thể nhân, pháp nhân và chịu sự quản lý, điều tiết của Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng đa dạng, doanh nghiệp thậm chí không cần sự hiện diện tại nước sở tại, nhưng vẫn có thể bán hàng bình thường.
Việc không có cơ sở thường trú, đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý đó là, làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp này. Nếu không xác định được doanh thu, doanh nghiệp có thể trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tạo ra sự bất bình đẳng giữa người bán hàng qua mạng và người bán hàng truyền thống.
Không chỉ có vậy, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động thương mại điện tử còn có những nội dung chưa đồng bộ và hoàn thiện.
Phương thức thanh kiểm tra hoạt động thương mại điện tử khác xa so với thanh, kiểm tra theo phương thức truyền thống, đòi hỏi cán bộ thuế ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cần phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ để truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử làm bằng chứng đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Tuy nhiên, số lượng cán bộ thuế đáp ứng được các điều kiện này chưa nhiều.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cũng nhấn mạnh; quản lý thuế trong nền kinh tế số là vấn đề khó, không chỉ đối với Việt Nam mà cả đối với các nước khác trên thế giới. Đơn cử như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, các nước phát triển thường muốn phân bổ lợi nhuận theo chuỗi giá trị, lợi nhuận tạo ra ở khâu nào thì đánh thuế ở khâu đó.
Tuy nhiên các nước đang phát triển lại cho rằng, cách đánh thuế đó rất phức tạp, đồng thời đưa ra nhận định, người tiêu dùng cuối cùng mới tạo ra giá trị của sản phẩm, do đó khi bán sản phẩm ở thị trường nào thì phải nộp thuế ở thị trường đó.
Về thuế giá trị gia tăng, vừa qua Nghị viện châu Âu đã thông qua đạo luật, yêu cầu những tập đoàn lớn Google, Facebook, Amazon,… khi bán sản phẩm vào các nước châu Âu có trách nhiệm khai báo người mua, địa điểm, giá bán thông qua thẻ tín dụng để quản lý việc bán hàng qua biên giới.
Luật cũng quy định, ngưỡng doanh thu nộp thuế và mức thuế không quá 3%, qua đó đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp và đem lại nguồn thu khá lớn cho ngân sách . Trong khi đó, tại các nước đang phát triển thường áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn đối với thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên biện pháp này chỉ phù hợp đối với quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, vì người mua sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng, còn quan hệ giữa doanh nghiệp với cá nhân mua hàng qua mạng thì khó hơn nhiều. Tại một số quốc gia như Ấn Độ, còn áp dụng thuế cân bằng 5-6% trên ngưỡng tiền hàng hóa cố định, theo đó các tập đoàn phải có trách nhiệm khai báo với chính phủ và tự giác nộp các khoản thuế vào ngân sách.
Nhiều giải pháp được triển khai
Tại Việt Nam, để quản lý thuế thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP cung với việc đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến tất cả các tổ chức, cá nhân phải thường xuyên rà soát, đôn đốc việc thực hiện kê khai, nộp thuế.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu đẩy mạnh việc thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này vào nề nếp. Qua triển khai tại một số địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp không kê khai, trốn thuế.
Điển hình như, một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phát hiện có hành vi gian lận và bị truy thu, xử phạt số tiền lên đến 9,1 tỷ đồng. Gần đây nhất, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Thuế Quảng Nam truy thu một cá nhân có doanh thu trên 20 tỷ đồng từ Google, nhưng chưa kê khai nộp thuế theo quy định.
Về lâu dài, để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã đề xuất bổ sung những quy định liên quan đến thương mại điện tử theo hướng, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai, nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng và phát triển cổng thanh toán điện tử quốc gia; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch với sự tham gia của các tổ chức thanh toán quốc tế như Master Card, Visa…
Khi hệ thống đi vào hoạt động, cơ quan thuế có thể xác định chính xác danh tính, doanh thu của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử, từ đó xác định được ngưỡng chịu thuế và số thuế phải nộp, qua đó đảm bảo công bằng giữa người kinh doanh truyền thống và kinh doanh qua mạng, tránh thất thu NSNN.