Bộ Tài chính triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ
Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, ngày 03/01/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 17/QĐ-BTC về việc Ban hành kế hoạch hành động nhằm thực hiện quyết liệt Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, tại nội dung Quyết định số 17/QĐ-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành Tài chính tăng cường thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể:
Một là, về nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực thuế có 21 sản phẩm đầu ra, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi thể chế chính sách như Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các văn bản QPPL để quy định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xoá tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.
Trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư để triển khai Nghị định của Chính phủ. Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30 tháng 01 của năm kế tiếp trong quý I năm 2020.
Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hoá đơn điện tử; Nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; Giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 04 ngày theo quy định; Tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để tạo thuận lợi cho người nộp thuế qua đó cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số nộp thuế đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; Tập huấn hướng dẫn để bảo đảm các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về chỉ số nộp thuế.
Cùng với đó, làm việc với các tổ chức quốc tế có liên quan để cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết về kết quả cải cách trong lĩnh vực thuế để bảo đảm đánh giá, xếp hạng chỉ số nộp thuế khách quan, chính xác; Thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm.
Hai là, nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, về nhiệm vụ này, Quyết định nêu rõ: Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực hải quan đã cụ thể thành 22 sản phẩm đầu ra, cụ thể: Về hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Hải quan.
Trình Chính phủ ban hành các Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam với các đối tác để thực hiện các Hiệp định thương mại mới được ký kết. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết ngay các vướng mắc kéo dài trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu.
Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Tổng cục hải quan; Tập huấn hướng dẫn để bảo đảm các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về chỉ số này. Làm việc với các tổ chức quốc tế có liên quan để cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết về kết quả cải cách trong lĩnh vực hải quan để bảo đảm đánh giá, xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới khách quan, chính xác; Thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm.
Ba là, nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực chứng khoán tập trung vào 09 nhóm sản phẩm. Trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và ban hành các Thông tư theo thẩm quyền để triển khai Nghị định của Chính phủ; Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo các mục tiêu, yêu cầu tại chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Tập huấn hướng dẫn để bảo đảm các bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về chỉ số trên. Làm việc với các tổ chức quốc tế có liên quan để cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết về kết quả cải cách trong lĩnh vực chứng khoán để bảo đảm đánh giá, xếp hạng chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán khách quan, chính xác; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm.
Cùng với đó là thực hiện các nhiệm vụ khác như: Tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong giai đoạn 2018-2020. Lập và báo cáo phương án bãi bỏ, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý được quy định tại các Luật của Quốc hội. Tiếp tục công khai các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Về lĩnh vực quản lý nợ công, quản lý tài sản công, Quyết định nêu rõ: Đối với quản lý nợ công, tiếp tục thực hiện các Đề án, chương trình, chiến lược về quản lý nợ công đã được phê duyệt, đảm bảo nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP; Tiếp tục tái cấu trúc nợ công nhằm xây dựng danh mục nợ công bền vững; Hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý nợ công, cụ thể: Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Tăng cường giám sát an toàn về nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại.
Về quản lý tài sản công, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài sản công, cụ thể, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước; Phối hợp các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về các văn bản quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng và Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết.
Về thị trường tài chính, kinh doanh bảo hiểm, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để phát triển thị trường tài chính, tái cấu trúc thị trường tài chính, thị trường bảo hiểm theo các chương trình, kế hoạch hành động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung Quyết định số 17/QĐ-BTC tại đây.