Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới hợp tác tài chính phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo
Sáng ngày 16/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc làm việc với ông Edward Mountfield - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách các chính sách hoạt động và chương trình quốc gia và bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam để trao đổi về định hướng hợp tác giữa hai bên.
Chào mừng Đoàn công tác của WB tới thăm và làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao vai trò của WB trong hợp tác với Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, bao gồm huy động vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ và tư vấn chính sách, giúp Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ huy động vốn nước ngoài và quản lý nợ công hiệu quả, đóng góp tích cực cho các ưu tiên phát triển quốc gia; đồng thời, các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho Bộ Tài chính để góp phần cải cách quản lý tài chính, ngân sách trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nguồn vốn của WB chiếm 35% trong tổng số nguồn vốn của tất cả nhà tài trợ vào Việt Nam. Nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Bộ trưởng mong muốn, thời gian tới WB sẽ tiếp tục là nhà tài trợ chính cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số...
Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và tác động về ngoại cảnh nhưng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu giữ vững tài khóa, tăng trưởng không cao nhưng so với bình quân thế giới là tốt, thu ngân sách vượt dự toán, nợ công được kiểm soát thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội giao...
Năm 2022, Việt Nam dự kiến xuất siêu gần 5 tỷ USD; tăng trưởng kinh tế dự tiến đạt 6,5-7%, mức này có thể đạt được nếu 3 tháng cuối năm không có gì đột biến; dự kiến nợ công giữ ở 43% GDP, nợ nước ngoài 39% GDP; cố gắng giữ CPI ở mức 4%. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều khó khăn cần tập trung vượt qua như: giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao do tác động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là giá thép, phân bón, than, xăng dầu... là những mặt hàng tăng giá nhiều nhất.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã tập trung triển khai các giải pháp giảm thuế để giảm giá xăng dầu. Đồng thời, triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tập trung minh bạch, quản lý giá cả; giảm thuế cho doanh nghiệp. Đồng thời, để không bỏ lọt nguồn thu, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện phát hành hóa đơn điện tử với 100% doanh nghiệp thực hiện; thực hiện nghiêm Luật thuế đảm bảo công bằng minh bạch, tăng cường quản lý thuế với chuyển nhượng, sàn thương mại điện tử trong nước, thương mại điện tử xuyên biên giới...
Bộ trưởng nhấn mạnh, tài trợ nước ngoài là nguồn lực quan trọng với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam với nhu cầu đầu tư rất lớn, hướng đến mục tiêu tạo hiệu quả cao cho nhiều ngành nhiều lĩnh vực, tạo “đường băng” cho nền kinh tế phát triển.
Khẳng định chủ trương chỉ vay trong khả năng trả nợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, sân bay, bến cảng; tập trung chuyển đổi số; phát triển năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu... Do đó, Việt Nam mong muốn có sự phối hợp của WB trong việc chuẩn bị nguồn lực triển khai các dự án này.
Bộ trưởng thông tin, theo thống kê hiện nay, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất, đang chuẩn bị thủ tục đầu tư trong nước cộng với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn 2022 – 2025 có tổng trị giá vay WB là gần 2,2 tỷ USD. Bộ trưởng đề nghị WB phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính rà soát lại hiệu quả đầu tư của tứng dự án theo hướng tránh dàn trải, chồng chéo nhiệm vụ chi, tránh lãng phí thất thoát trong đầu tư.
Đánh giá cao những chia sẻ của Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Edward Mountfield và Giám đốc Quốc gia Carolyn Turk đều khẳng định, mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa WB và Bộ Tài chính Việt Nam đã được xây dựng và vun đắp từ rất lâu. Theo đại diện WB, thế giới có nhiều thách thức từ các khủng hoảng chồng chéo, tuy nhiên Việt Nam được đánh giá cao vì duy trì nền kinh tế, tài chính mạnh.
Đại diện WB cho rằng, việc kiểm soát tốt hoạt động vay nợ có vai trò quan trọng nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư để đặt nền móng tăng trưởng trong tương lai. WB cũng thống nhất cao với những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới về đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số... và cho biết đó cũng là những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của WB.
"WB sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn, chia sẻ tri thức, các kết quả nghiên cứu để hỗ trợ Việt Nam và mong muốn có kế hoạch hợp tác lâu dài, chặt chẽ trong tương lai." - Đại diện WB khẳng định.
Tại cuộc làm việc, hai bên đã dành thời gian trao đổi cụ thể về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đàm phán hiệp định vay với WB; các giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn của WB tại các dự án của Việt Nam hiện nay; cách thức hợp tác triển khai các dự án trong thời gian tới, trong đó có dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long... nhằm đảm bảo các dự án được triển khai một cách hiệu quả, hiệu suất cao nhất.