Bộ Tài chính: Xây dựng Đề án cập nhật Chuẩn mực doanh nghiệp Việt Nam

PV.

Khi áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chất lượng của báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.

Tính đến năm 2017, IFRS đang được áp dụng tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Nguồn: Internet
Tính đến năm 2017, IFRS đang được áp dụng tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Nguồn: Internet

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai về Báo cáo “Đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán” của Bộ Tài chính và Ngân hàng thế giới (WB) mới đây.

Báo cáo ROSC là một phần của sáng kiến toàn cầu giúp tăng cường việc tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc quốc tế được công nhận, tập trung vào các tiêu chuẩn và thông lệ kế toán và kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng cũng như một khuôn khổ thể chế củng cố hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp. Báo cáo ROSC được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015 đến 2017, dưới sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, WB và các bên có liên quan.   

Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách cụ thể liên quan tới khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm tra và giám sát, đào tạo kế toán, và các tổ chức nghề nghiệp nhằm thúc đẩy sự minh bạch và niềm tin của các nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro của những bất ổn tài chính, nâng cao tính hiệu quả của thị trường và tăng trưởng kinh tế do doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt.  

Việc WB xây dựng báo cáo ROSC đưa ra các khuyến nghị để hoàn thành khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực kế toán kiểm toán là rất hữu ích và phù hợp với định hướng cải cách thể chế của Chính phủ Việt Nam. Bộ Tài chính rất quan tâm đến các khuyến nghị của WB trong báo cáo ROSC với Việt Nam, với mục tiêu hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực kế toán kiểm toán. Trong đó, có các nội dung đáng lưu ý như: Luật Kế toán và Kiểm toán độc lập nên ngắn gọn hơn; Đối với những chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành cần được cập nhật theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Với những chuẩn mực chưa được ban hành thì cần được sớm ban hành, bổ sung. Cần xác định mục tiêu và đối tượng áp dụng IFRS và chuẩn mực kế toán tại Việt Nam. Xây dựng cơ chế để đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kế toán đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính.

Tính đến năm 2017, IFRS đang được áp dụng tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó 126 quốc gia đã yêu cầu bắt buộc áp dụng IFRS đối với các đơn vị có lợi ích công chúng và các tổ chức tín dụng. Việc áp dụng IFRS sẽ tiếp tục mở rộng tại các quốc gia trong những năm tới, bao gồm các quốc gia tại châu Á và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Tại Việt Nam, IFRS đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp niêm yết, đối tượng đầu tiên dự kiến áp dụng IFRS theo khung lộ trình áp dụng IFRS của Bộ Tài chính đến năm 2020.

Đồng thuận với các đánh giá về việc không thể phủ nhận những lợi ích mà IFRS mang lại, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, việc áp dụng IFRS cũng là một yếu tố để quốc tế công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó khơi thông dòng vốn FDI. Vì vậy, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng để trình Chính phủ Đề án cập nhật Chuẩn mực doanh nghiệp Việt Nam để đưa Chuẩn mực quốc tế vào áp dụng.