Tại buổi làm việc, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAA đã thông tin tổng quan về tình hình hoạt động của Hiệp hội thời gian qua cũng như phương hướng hoạt động năm 2022.
Theo đó, đến nay Hiệp hội có 9.642 hội viên. Trong năm 2022, VAA tập trung tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động tư vấn khoa học và phản biện, giám định xã hội. Trong đó tập trung tham gia triển khai Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS), Chuẩn mực Kế toán công, Kiểm toán nội bộ, Chiến lược Kiểm toán Nhà nước; tham gia các chương trình đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp, đánh giá báo cáo thường niên.
VAA cũng tập trung triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bao gồm đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ và các hoạt động sinh hoạt khoa học; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông...
Tại buổi làm việc, PGS.TS Đặng Văn Thanh cùng các thành viên trong đoàn công tác đã thông tin và nêu một số kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số vụ, cục chức năng của Bộ Tài chính về một số hoạt động của VAA, như: tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức và nhân sự; hoạt động đối ngoại; nghĩa vụ thành viên trong Hiệp hội Kế toán Đông Nam Á (AFA), Liên đoàn Kế toán Thế giới (IFAC); vai trò Phó chủ tịch AFA...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh chính sách của Bộ Tài chính trong công tác quản lý thị trường kế toán và kiểm toán cũng như các hoạt động nhằm hỗ trợ các hiệp hội kế toán và kiểm toán, trong đó có VAA.
Bộ trưởng đã biểu dương và hoan nghênh những cố gắng của VAA trong thời gian qua. Bộ trưởng lưu ý, để Hiệp hội phát triển mạnh hơn, trong thời gian tới về phía các vụ, cục chức năng của Bộ, đặc biệt là Cục Quản lý giám sát Kế toán và Kiểm toán cần chủ động tham mưu giúp Bộ đề xuất những nội dung, biện pháp nhằm gắn hoạt động của Hiệp hội với Bộ Tài chính thường xuyên hơn nữa.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đã giải đáp những kiến nghị của VAA liên quan tới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp; hay các nội dung về nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kế toán.
Đơn cử như nội dung nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới thì có nhiều nội dung cần phải nghiên cứu để có được chuẩn mực kế toán chung, nhận thức chung, quy định chung, ví dụ như: chuẩn mực kế toán, kiểm toán, hay các thông lệ tốt của các quốc gia,…
“Nếu chúng ta không có sự tiếp cận sớm các chuẩn mực kế toán quốc tế, thông lệ tốt của các nước thì chúng ta sẽ lạc hậu khi hội nhập sâu rộng với thế giới. Bộ Tài chính có thể giao hoặc phối hợp với Hiệp hội để nghiên cứu, xây dựng các đề tài khoa học, đề án, xây dựng các cơ chế chính sách, tổ chức tọa đàm về chuyên môn", Bộ trưởng phát biểu.