Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

D.Bùi (T/h theo ilfv.mof.gov.vn)

Ngày 9/12, đoàn công tác Bộ Tài chính do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) có đòng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thành Long, quyền Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Long - quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách nhà nước (NSNN) gồm 3 nguồn thu chính là dầu thô, xuất khẩu và nội địa. Trong 3 nguồn thu này, có 2 nguồn thu giảm là dầu thô và xuất khẩu, cụ thể tỷ trọng thu từ dầu thô giảm 10,6% so với năm 2016, tỷ trọng thu xuất khẩu giản 0,4%; tỷ trọng thu nội địa tăng 11,1%.

Kết quả trên cho thấy, tỷ trọng thu NSNN (phần nội địa) có sự đóng góp ngày càng lớn trong tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu có xu hướng giảm về tỷ trọng trong cơ cấu tổng thể của thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, có 10/11 chỉ tiêu thu NSNN đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết đề ra, 1 chỉ tiêu không đạt chỉ tiêu Nghị quyết là giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước 86.958 tỷ đồng, đạt 116,9% so với dự toán và bằng 102,2% so với cùng kỳ, trong đó thu về dầu thô 28.500 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 19.958 tỷ đồng và thu nội địa 38.500 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh BR-VT tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí, trong đó chú trọng 5 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, tỉnh tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế và hệ thống dịch vụ hậu cần cảng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận đội tàu biển quốc tế, chia sẻ lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP. Hồ Chí Minh và dần dần đóng vai trò cảng chính, cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Nam.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Mục tiêu của tỉnh là xây dựng cảng Cái Mép - Thị Vải đủ tiềm lực để cạnh tranh được với cảng Singapore. Khi đó, hàng hóa Thái Lan, Campuchia… muốn đi các nước sẽ cập cảng Cái Mép - Thị Vải chứ không phải sang Singapore. Khi đó, hàng hóa Thái Lan, Campuchia… muốn đi các nước sẽ cập cảng Cái Mép - Thị Vải chứ không phải sang Singapore. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển chất lượng phục vụ tại cảng và đầu tư hạ tầng giao thông tại cảng là rất quan trọng”.

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Tài chính về tình hình phòng chống gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Hải, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2019, các sở, ngành, lực lượng chức năng trong tỉnh đã phối hợp, đấu tranh phát hiện và bắt giữ 2.768 vụ/3.170 đối tượng vi phạm, xử lý hành chính 2.309 vụ với tổng số tiền xử lý hành chính gồm xử phạt vi phạm hành chính, truy thu và trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu hơn 560 tỷ đồng; khởi tố 425 vụ/513 đối tượng.

Qua tổng hợp, phân tích, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, xăng dầu trên tuyến đường biển vẫn còn diễn biến phức tạp với 16 vụ/29 đối tượng vận chuyển xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ; 5 vụ vi phạm về chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trong kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, trong năm các lực lượng chức năng đã phát hiện 61 cơ sở vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, 54 cơ sở vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thuốc lá điếu nhập lậu đã phát hiện và xử lý 38 vụ/41đối tượng…

Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, nghiên cứu sửa đổi một số nghị định, thông tư liên quan đến hành vi kinh doanh phân bón giả, việc ghi nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quy định cụ thể đối với hành vi cúp mở điện các trụ bơm để đối phó với hoạt động kiểm tra xăng, dầu của cơ quan chức năng; các quy định về niêm phong, kẹp chì ở vị trí IC có lập trình để chống việc lập trình lại hoặc tự gắn thêm, rút bớt linh kiện, lập trình gian lận khác…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao kết quả thu ngân sách của tỉnh trong thời gian qua và đề nghị tỉnh tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm chống thất thu thuế.

Ủng hộ và đánh giá cao chủ trương phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí mà chú trọng 5 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh BR-VT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là chủ trương đúng bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. Chủ trương này cũng phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế độc lập tự chủ dựa vào tiềm lực phát triển kinh tế trong nước, dựa vào sản xuất kinh doanh của Chính phủ. Hiện nay tỷ trọng dầu thô trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước cũng đang giảm dần. “Nếu như 5 năm trước số thu từ dầu thô chiếm trên dưới 10% trong tổng số thu NSNN thì 3 năm trở lại đây chỉ chiếm khoảng 3%, dự kiến đến năm 2020 chỉ chiếm dưới 3%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Ghi nhận các kết quả về kinh tế - xã hội mà tỉnh BR-VT đã đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là về tài chính - ngân sách, tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng thu nội địa của tỉnh BR-VT trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 11,1%, còn thấp so với bình quân chung cả nước và so với các địa phương khác.

Từ kết quả nêu trên, tỉnh BR-VT cần phân tích cơ cấu thu, tốc độ thu, từng sắc thuế từ đó đánh giá được thực trạng nền kinh tế của tỉnh để có các giải pháp hiệu quả hơn. Cũng liên quan đến phát triển kinh tế của tỉnh BR-VT, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ủng hộ chủ trương của tỉnh BR-VT về phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành Cụm cảng quốc tế nước sâu đủ tầm cạnh tranh khu vực và trở thành động lực phát triển kinh tế Vùng.