Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Hoa Kỳ
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Hoa Kỳ, ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's Global Ratings (S&P) và Moody's.
Đánh giá cao việc S&P đánh giá thường niên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, giải đáp mọi thắc mắc của đoàn, đồng thời sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục áp dụng chính sách, phù hợp với các thông lệ quốc tế, hướng tới mục tiêu tới năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Đầu tư (BBB).
Tại buổi làm việc, đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã đề cập đến một số hạn chế, thách thức đối với hệ số tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể về biến động của thị trường bất động sản gần đây.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin với phía S&P về việc Chính phủ Việt Nam đang triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, như: hạ lãi suất cho chủ đầu tư và người mua nhà; xây dựng nhà ở xã hội và sửa đổi quy định về định giá đất.
Dựa trên thông tin Bộ trưởng cung cấp, đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết, trên cơ sở những thông tin tích cực nêu trên, S&P sẽ bổ sung các hành động chính sách này vào đánh giá tổng quan của Tổ chức về thị trường Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, đại diện Moody's cảm ơn Bộ Tài chính đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) - công ty thành lập từ vốn đầu tư của Moody’s và các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam, để chính thức khai trương hoạt động tại Việt Nam và sắp tới sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”. Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư (từ Baa3 đối với thang điểm của Moody’s).
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.
Liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết sẽ cung cấp tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm và cử nhóm hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam trong quá trình xây dựng, sửa đổi nghị định hướng dẫn luật Chứng khoán.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị hai tổ chức chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường trái phiếu ổn định, lành mạnh. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc chia sẻ kinh nghiệm của hai tổ chức tại các thị trường tương đồng với Việt Nam, về quan điểm trong việc xây dựng quy định về yêu cầu bắt buộc có xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như trong trường hợp nào yêu cầu phải có tài sản đảm bảo…
Đặc biệt, việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như S&P và Moody’s nâng mức tín nhiệm đối với Việt Nam trong năm 2022 và tiếp tục giữ xếp hạng Việt Nam năm 2023 cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Tại các cuộc làm việc với hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ cảm ơn và đề nghị các tổ chức này tiếp tục theo sát và đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Các ý kiến này rất hữu ích cho Chính phủ Việt Nam trong việc nắm bắt mối quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư để Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng thông tin về việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là cơ sở cho các các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng.