Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông tin về Đề án quy hoạch báo chí
(Taichinh) - “Đây là một quy hoạch rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong cả nước” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã thông tin như vậy về Đề án quy hoạch báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015, diễn ra chiều 25/4/2015.
Việc triển khai đề án này bắt đầu từ năm 2006, trước khi có Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đó có một thời gian dừng lại, gần đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ triển khai Đề án quy hoạch báo chí.
“Đây là một quy hoạch rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong cả nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong chặng đường 90 năm trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, cả về số lượng và chất lượng. Ít có nước nào có nhiều cơ quan báo chí như Việt Nam, hiện nay có 838 cơ quan báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.
Thế giới nói rằng chúng ta không tự do báo chí nhưng chắc chắn chúng ta là một trong những nước rất tự do báo chí. Bởi vì chúng ta có tất cả các loại hình báo chí, dành cho tất cả các lứa tuổi, từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành.
Các nước khác chưa chắc có nhiều đài truyền hình như Việt Nam. Hiện nay ở nước ta có hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình để phục vụ cho người dân. Có thể nói đó là một nguồn lực rất lớn. Ngoài báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, truyền thông xã hội cũng cung cấp thông tin rất lớn cho người dân. Vai trò báo chí rất lớn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian vừa qua.
Nêu về thực tế báo chí ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong quá trình phát triển, không tránh khỏi có những cái trùng lắp về tôn chỉ mục đích, như chúng ta chỉ ra trong đề án.
Quá trình xây dựng đề án rất dài, và triển khai qua nhiều cấp, được sự chỉ đạo rất sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng dự thảo này.
Tháng 7/2013, Bộ đã trình lên Chính phủ. Ngày 25/11, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp và cho ý kiến vào dự thảo, xác định đây là một văn bản theo quyết định, tức là văn bản cá biệt. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, các tỉnh, thành phố, thậm chí gửi cả văn bản để lấy ý kiến về các phương án.
Thủ tướng Chính phủ có thông báo số 437 ngày 5/12 kết luận cuộc họp cho ý kiến về đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020. Tuy nhiên, đây là văn bản quy phạm pháp luật cá biệt nên Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo là lấy ý kiến tất cả các cơ quan báo chí. Trong kết luận của Bộ Chính trị cũng không có yêu cầu Chính phủ lấy ý kiến của tất cả các đối tượng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến bằng kết luận số 437, căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị 2 lần. Lần 1 ngày 25/4/2014. Bộ Chính trị có ý kiến bằng văn bản 7959 ngày 23/5 thông báo kết luận đánh giá những cái được và chưa được của quy hoạch báo chí này, yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh, để xem xét lần nữa. Đến ngày 7/11/2014, Bộ Chính trị đã xem xét lần 2.
Thấy rằng quy hoạch báo chí toàn quốc là vấn đề lớn, rất nhạy cảm, cấp bách và có tác động, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, cơ quan, địa phương và đối tượng nên Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ trình ra kỳ họp Trung ương 10.
Trong Hội nghị Trung ương 10, đồng chí Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày. Trong Trung ương đã có trên 100 ý kiến đóng góp về vấn đề này, cơ bản là nhất trí với các nội dung, mục tiêu, yêu cầu quan điểm và các định hướng trong quá trình quy hoạch báo chí. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Trung ương, hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét quyết định và triển khai thực hiện.
Tất cả các chi bộ của chúng ta đã được quán triệt kết quả, nội dung kỳ họp Trung ương 10, trong đó có nội dung thứ 9 về đề án quy hoạch phát triển báo chí Việt Nam đến năm 2025. Như vậy, tất cả các chi bộ, tất cả đối tượng đều được quán triệt nội dung, quan điểm và định hướng công tác quy hoạch báo chí.
Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ ban hành, và khi ban hành sẽ có kế hoạch quán triệt triển khai việc này. Như vậy, quá trình triển khai thực hiện thời gian qua rất kỹ lưỡng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đã được lấy ý kiến Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương. Quy hoạch này đang được Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét lần cuối trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành./.