“Bỏ túi” bí quyết vay tiêu dùng

PV.

Vay tiêu dùng cá nhân với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh - gọn nên hiện đang là phương thức vay tiền được nhiều người lựa chọn. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người đi vay không nên bỏ qua những lưu ý dưới đây.

Điều kiện bắt buộc để vay tín chấp tiêu dùng

Nhiều khoản vay tín chấp tiêu dùng luôn đòi hỏi các điều kiện cụ thể, nhưng tựu chung người đi vay cần thỏa mãn một số điều kiện sau:

- Tuổi từ 20 tuổi đến 55 tuổi với nữ, 58 tuổi với nam (một số tổ chức tín dụng chỉ yêu cầu người vay đủ 18 tuổi);

- Là công dân Việt Nam hoặc người cư trú có hộ khẩu/KT3/tạm trú tại nơi cư trú;

- Có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng (thu nhập tối thiểu tùy thuộc quy định của từng tổ chức tín dụng);

Có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.

Nghiên cứu kỹ hợp đồng

Điều kiện cho vay vốn hiện nay thông thoáng hơn với nhiều ưu đãi hấp dẫn, nhưng vẫn có những điều kiện ràng buộc nhất định. Do vậy, người vay nên đọc kỹ hợp đồng. Bạn cần chú ý đến những điều khoản, đặc biệt thời hạn thay đổi lãi suất. Khách hàng phải yêu cầu chuyên viên quan hệ khách hàng tư vấn thật kỹ, nếu theo các điều khoản trong hợp đồng, lãi suất sẽ lên tới bao nhiêu. Như vậy, công ty tài chính và khách hàng xây dựng được mối quan hệ lâu dài, đồng thời cũng tránh rủi ro tiềm ẩn cho 2 bên.

Hiểu về phương thức trả nợ

Hai phương thức trả nợ phổ biến hiện nay là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Phương thức trả theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp. Hàng tháng, khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng với lãi suất quy định cố định. Ví dụ: bạn vay 200 triệu đồng, lãi suất 1% một tháng, trả trong 40 tháng. Như vậy, mỗi tháng bạn sẽ phải trả một khoản tiền cố định: 5 triệu đồng tiền gốc và 2 triệu đồng tiền lãi.

Với phương thức trả theo dư nợ giảm dần, hàng tháng, khách hàng sẽ trả một khoản tiền bao gồm gốc và lãi (lãi tính theo số nợ thực tế). Như vậy, số tiền lãi hàng tháng khách hàng phải trả giảm dần. Ví dụ: bạn vay 200 triệu đồng, trả trong 40 tháng, lãi suất 1% một tháng. Như vậy tiền gốc hằng tháng bạn phải trả là 5 triệu đồng. Tháng thứ nhất, bạn phải trả số tiền bằng tiền gốc 5 triệu đồng cộng 2 triệu đồng tiền lãi. Tháng thứ hai, số nợ còn lại của bạn chỉ còn 195 triệu đồng. Như vậy, số tiền khách hàng phải trả ở tháng thứ hai bằng tiền gốc 5 triệu đồng cộng 1.950.000 đồng tiền lãi. Số tiền lãi sẽ giảm dần theo số nợ còn lại theo từng tháng.

Do vậy, bạn cần tìm hiểu về phương thức trả nợ để dự trù khả năng tài chính của mình. Nếu áp dụng cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, mức lãi suất công bố có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất vay dựa trên dư nợ thực tế. Nhiều khách hàng không hiểu rõ sẽ lầm tưởng vay theo dư nợ ban đầu phải trả ít tiền lãi hơn. Thực tế sau khi tính toán lại, tổng số tiền lãi khách hàng phải trả cao hơn nhiều so với phương thức trả lãi dựa trên dư nợ thực tế.

“Săn” chương trình ưu đãi

Đi vay nghĩa là phải trả nợ cộng với lãi suất. Vì vậy, tận dụng những chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hay những đặc quyền được trao để giảm gánh nặng cho bản thân là cần thiết. Tuy nhiên, người vay cũng cần thận trọng trước những khoản cho vay trong thời điểm khuyến mãi

Với ngân hàng hiện nay thì có nhiều hình thức cho vay khá dễ dàng để thu hút người vay vốn như : vay tín chấp lương, vay tiền theo bảo hiểm nhân thọ, vay tiền theo hóa đơn điện….

Những khoản vay có lãi suất rẻ nhất thường rơi vào thời điểm khuyến mãi cuối năm. Tuy nhiên, người vay vốn tín chấp cần cân nhắc thật kỹ trước những điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Đặc biệt ở mỗi gói lãi suất ưu đãi chỉ có một giai đoạn, sau đó là lãi suất thả nổi.

Vì thế, đừng nên quá ham lãi suất ban đầu trong thời gian khuyến mãi mà quên mất việc sau thời gian sẽ áp dụng mức lãi suất bao nhiêu %, người vay vốn cần hỏi thật kĩ càng chi tiết để có kế hoạch trả nợ và trả được nợ. Đừng để khi phải gánh chịu lãi suất trả nổi sau khuyến mãi mới cắn răng chịu đựng vì những điều khoản trong hợp đồng không để ý đến.

Trên thực tế, đôi khi chúng ta vẫn nghe thấy sự phàn nàn của người tiêu dùng rằng bị rơi vào “bẫy” lãi suất cao khi vay tài chính tiêu dùng. Nhưng suy đi cần xét lại, đây không phải là “cái bẫy” mà một phía có thể tạo ra được, mà phần nhiều do người đi vay chủ quan, không để ý đến mới xảy ra. Nhiều khách hàng cá nhân lúc đi vay chỉ nghĩ đến món vay nhận được mà không xem xét, tính toán kỹ khả năng trả nợ cũng như các điều khoản hợp đồng. Đến khi khoản phải trả nợ vượt quá năng lực thì lại la làng.

Vì thế, lời khuyên đưa ra là trước khi quyết định vay tiêu dùng cá nhân thì người vay vốn cần xem xét kĩ khả năng chi trả, và có cần thiết đến mức phải sử dụng đến khoản vay hay không? Đừng vì chỉ thấy lãi suất rẻ mà nhảy vào vay. Nếu đã đến mức độ cần thiết để vay khách hàng nên chủ động xem xét kỹ ngoài những lãi suất ưu đãi thì lãi suất hậu khuyến mãi sẽ được tính như thế nào nên ghi rõ trong hợp đồng. Có như vậy mình mới thực sự là người tiêu dùng thông minh.