Bối cảnh “bình thường mới” và sự hồi phục ngành Du lịch Việt Nam


Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành Du lịch đóng góp một phần quan trọng trong tổng sản phẩm kinh tế quốc dân, thậm chí được coi là ngành kinh tế xương sống. Tại Việt Nam, ngành Du lịch được xác định là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế hỗ trợ, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, việc khôi phục phát triển ngành Du lịch trong thời gian tới là mục tiêu chiến lược của Việt Nam. Sau gần hai năm suy giảm nghiêm trọng dưới tác động của đại dịch COVID-19, đến nay, các chính sách du lịch mới đã và đang có hiệu quả tích cực, ngành Du lịch Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tạo tiền đề bứt phá trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Với đặc trưng là ngành thương mại dịch vụ, ngành Du lịch rất nhạy cảm với sự biến động của kinh tế - xã hội. Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới từ đầu năm 2020 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng liên tục 10 năm và kéo lùi ngành du lịch thế giới về mốc năm 1990. Sau hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, đến nay, nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã và đang nghiên cứu đưa COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm. Cùng với sự thay đổi về chính sách, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang dần khôi phục, bắt đầu với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa và sự hồi phục du lịch quốc tế từ thời điểm chính thức mở cửa đón khách quốc tế ngày 15/3/2022.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn chưa hoàn toàn được khống chế trên toàn thế giới, cũng như tiềm ẩn các nguy hiểm từ các biến chủng mới, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành cần đưa ra các chính sách và chiến lược thận trọng và thống nhất để từng bước khôi phục hoàn toàn ngành Du lịch Việt Nam.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới sự phát triển chung của du lịch toàn cầu

Theo số liệu thống kê của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) tính đến hết năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến tổng lượng khách du lịch thế giới sụt giảm 73% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ này đồng nghĩa với sự sụt giảm hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế tới các điểm đến trên thế giới, tương ứng với việc ngành Du lịch thế giới thất thu hơn 1,1 nghìn tỷ USD tổng thu từ lượng khách quốc tế. Con số này cao gấp hơn 10 lần so với tổn thất mà ngành Du lịch thế giới đã phải hứng chịu do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 (UNWTO, 2008 - 2021). Năm 2021, du lịch thế giới ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ lượt khách quốc tế (415 triệu lượt) so với năm 2020 (400 triệu lượt), tỷ lệ tăng trưởng đạt 4%. Tuy nhiên, so với năm 2019, số lượt khách quốc tế đến năm 2020 và 2021 tương ứng sụt giảm lần lượt 73% và 72% .

Theo Phong vũ biểu năm 2022 của UNWTO, sự gia tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin kết hợp với sự nới lỏng các hạn chế đi lại đã và đang giúp giải phóng nhu cầu du lịch đang bị dồn nén. Du lịch thế giới phục hồi vừa phải trong nửa cuối năm 2021, với lượng khách quốc tế đến giảm 62% trong cả quý II/2021 và quý IV/2022 so với mức năm 2019 - trước khi đại dịch xảy ra. Theo số liệu thống kê sơ bộ, lượng khách quốc tế đến trong tháng 12/2021 thấp hơn 65% so với cùng kỳ năm 2019 (UNWTO, World Tourism Barometer, Volume 20, Issue 2, 2022).

Tốc độ phục hồi du lịch vẫn còn chậm và không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới do mức độ hạn chế đi lại, tỷ lệ tiêm chủng và lòng tin của khách du lịch là khác nhau. Theo đó, châu Âu và Mỹ ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 so với năm 2020, lần lượt đạt 19% và 17%, tuy nhiên vẫn thấp hơn 62% so với giai đoạn trước đại dịch (2019). Ở Trung Đông, lượng khách đến khu vực này giảm 24% so với năm 2020 và 75% so với năm 2019. Ở châu Á và Thái Bình Dương, lượng khách vẫn ở 65% dưới mức của năm 2020 và 94% khi so sánh với giá trị trước đại dịch vì nhiều điểm đến vẫn đóng cửa với các hoạt động du lịch không thiết yếu (UNWTO, World Tourism Barometer, Volume 20, Issue 2, 2022).

Du lịch Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19

Đối với du lịch Việt Nam, với sự thắt chặt các quy định, trong đó bao gồm các chính sách phong tỏa và hạn chế đi lại, các chỉ tiêu phát triển ngành Du lịch Việt Nam liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019, đạt 312.200 tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, du lịch, 2020-2021).

Bối cảnh “bình thường mới”  và sự hồi phục ngành Du lịch Việt Nam - Ảnh 1

Sang năm 2021, du lịch Việt Nam tiếp bị tác động nặng nề, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Thống kê cả năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3.500 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, 2020-2021).

Có thể nói, tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động (trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh). Các doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự. Năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70-80% so với năm 2019. Năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%. Năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%. Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%. Tại nhiều địa phương, du lịch không còn vai trò là động lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nghề khác như sản xuất nông nghiệp (thực phẩm, đặc sản...), nghề thủ công (sản xuất quà lưu niệm), giao thông...; những sản phẩm du lịch trước đây đã có thương hiệu, sức cạnh tranh cao nay cũng suy giảm nhiều về hình ảnh, năng lực cạnh tranh và hiệu quả đầu tư (TTXVN, 2022).

Bối cảnh “bình thường mới” và sự hồi phục ngành Du lịch Việt Nam

Bối cảnh “bình thường mới” và sự thay đổi trong chính sách du lịch Việt Nam

Ngày 11/10/2021, sau khi đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, các địa phương dần chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để phục hồi hoạt động du lịch nội địa, các cơ quan, ban ngành địa phương tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 128/NQ-CP, Quyết định số 218/QĐ-BYT 27/1/2022 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP;  Triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành; thực hiện Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng .

Bối cảnh “bình thường mới”  và sự hồi phục ngành Du lịch Việt Nam - Ảnh 2

Đối với hoạt động du lịch quốc tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044/VPCP-KGVX ngày 02/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn gồm:

Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh (Danh mục khu vực và các cơ sở cung ứng dịch vụ được đón khách du lịch quốc tế do các địa phương lựa chọn và công bố công khai).

Giai đoạn 2 (từ tháng 01/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 05 địa phương ở giai đoạn 1 (có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế) sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.

Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đạt được kết quả tích cực với con số hơn 9.000 khách du lịch quốc tế đã đón tính đến hết tháng 01/2022. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, để tăng cường truyền thông mở cửa đón khách, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch tăng cường Chiến dịch truyền thông, quảng bá với chủ đề: “Live fully in Vietnam” - “Trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam”. Chiến dịch được xây dựng với nội dung đa dạng - video clip quảng bá, các hình ảnh, bài viết, hình họa, có hiệu ứng lan tỏa tốt trên các nền tảng truyền thông số. Các thị trường mục tiêu trong thời gian tới bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Australia…; trong đó, ưu tiên những nước có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với Việt Nam và các nước được miễn thị thực.

Sự hồi phục của thị trường du lịch Việt Nam

Năm 2021, ngành Du lịch Việt Nam đã phục vụ được khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong khi đó, tính đến hết tháng 5/2022, tổng lượt khách du lịch nội địa theo thống kê đạt 48,6 triệu lượt, tương ứng với mức tăng 21,5%. So với cùng kỳ năm 2019 trước khi có dịch COVID-19, lượng khách du lịch nội địa ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, tính chung giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách nội địa so với cùng kỳ năm 2019 đạt tỷ lệ 126,2%. Đây là những kết quả bước đầu của các chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam trong thời gian qua.

Bối cảnh “bình thường mới”  và sự hồi phục ngành Du lịch Việt Nam - Ảnh 3

Với khách du lịch quốc tế, sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, với tác động của các chính sách thí điểm như bong bóng du lịch, hộ chiếu vắc xin, việc khôi phục các đường bay quốc tế và các chính sách visa du lịch và chính sách mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022, tính chung 5 tháng đầu năm năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 228.358 lượt trong tổng số 365.305 lượt khách quốc tế đến. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ so với thời gian trước mở cửa, cụ thể con số thống kê lượng khách du lịch quốc tế đến tháng 5/2022 so với tháng 2/2022 tương ứng với tỷ lệ 8.728,1%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 trước thời điểm diễn ra dịch COVID-19, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến 5 tháng đầu năm 2022 mới chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn là 3,1%.

Các địa phương trên cả nước cũng đã và đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch. Có thể kể đến như Khánh Hòa ghi nhận mức tăng doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2022 đạt 347,6% so với cùng kỳ năm 2021; Hà Nội ghi nhận mức tăng trưởng 61,1%; các địa phương khác như Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Ninh... ghi nhận mức tăng trưởng trên 17% đối với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, so với mức tăng trung bình 15,7% của cả nước.

Nhiều địa phương đã tổ chức các sự kiện hưởng ứng và phát động mở lại hoạt động du lịch, góp phần đưa du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển như: Ngày hội khinh khí cầu tại Quảng Nam (tháng 3/2022) và Kon Tum (tháng 4/2022); Các chương trình khai mạc du lịch biển tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam... Các sự kiện trên đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tham dự, bước đầu đem đến những dấu hiệu tích cực cho hoạt động du lịch địa phương (Tổng cục Thống kê, 2022).

Để phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: Tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; Tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022; Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch; Chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau (Linh Anh, 2022).

Trên cơ sở đánh giá tích cực, Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 ngành Du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có “hộ chiếu vắc xin”; Tổng thu từ du lịch trong năm dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng.  

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2021), Hướng dẫn 4122/HD-BVHTTDL về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam;

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022), Công văn số 597/BVHTTDL-TCDL về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch;

3. Linh Anh (2022), “Phép thử” và sự hồi sinh của du lịch Việt. Lao Động;

4. Lock, S. (2020), Global tourism industry - statistics & facts. Được truy lục từ https://www.statista.com/topics/962/global-tourism/;

5. Quốc hội (2017), Luật Du lịch số hiệu 09/2017/QH14;

6. Tổng cục Thống kê (2020-2021). Thống kê du lịch;

7. UNWTO (2008 - 2020), International tourism highlights;

8. UNWTO (2022), World Tourism Barometer, Volume 20, issue 2.

* ThS. Hoàng Thị Vân  - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 7/2022