Cục Thuế Quảng Ninh:
Bốn mục tiêu, bốn giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhằm thực hiện các thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Cục Thuế Quảng Ninh đã xác định rõ các mục tiêu, giải pháp cụ thể triển khai trong năm.
Ngày 22/02/2021, Cục Thuế Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 1090/CTQNI-KH triển khai Kế hoạch hành động số 32/KH-UBND ngày 05/02/2021của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Theo đó, Cục Thuế Quảng Ninh đưa ra các mục tiêu cụ thể và giải pháp chủ yếu để hoàn thành mục tiêu, trong đó nhấn mạnh một số nội dung trong năm 2021 như:
Một là, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến thành lập doanh nghiệp và thủ tục khởi sự kinh doanh. Đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu năm 2021 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Ba là, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19.
Bốn là, cải thiện mạnh mẽ xếp hạng các chỉ số DDCI, SIPAS, PAR INDEX và chỉ số thành phần Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) UBND Tỉnh giao Cục Thuế.
Đồng thời, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Hải quan Quảng Ninh đã đưa ra một số giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thời gian theo quy định. Lựa chọn công chức có đủ năng lực, trình độ bố trí tại bộ phận tiếp xúc với người nộp thuế (NNT), thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi như: đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây phiền hà, từ chối, kéo dài thời gian thực hiện TTHC...
Cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin trên trang điện tử của ngành (chính sách thuế, hoạt động của ngành...) và tại bộ phận 1 cửa. Đổi mới công tác tuyên truyền sao cho NNT tiếp cận chính sách thuế nhanh và chính xác nhất. Định kỳ tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến đóng góp, phản ánh của NNT để từ đó chủ động giải thích, tháo gỡ khó khăn, đổi mới phong cách, cách thức hỗ trợ NNT phù hợp hơn. Tiếp tục triển khai mô hình “Café doanh nhân”.
Thứ hai, cập nhật và triển khai kịp thời các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành thuế. Nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng sửa đổi, bổ sung chính sách thuế; đáp ứng áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thực hiện áp dụng phương thức báo cáo điện tử, sử dụng chữ ký số, hạn chế báo cáo giấy, làm giảm gánh nặng hành chính và tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo. Tiếp tục triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ tư, giao chỉ tiêu phấn đấu năm 2021 đối với các chỉ số DDCI, SIPAS, PAR INDEX, chỉ số thành phần PCI UBND Tỉnh giao Cục Thuế phụ trách cho các đơn vị trong ngành; yêu cầu các đơn vị chủ động nghiên cứu cách chấm điểm cũng như tâm lý cho điểm của người nộp thuế đối với chỉ số thành phần được giao, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất cải thiện điểm từng chỉ số.
Hải quan Quảng Ninh đã đưa ra mục tiêu rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong ngành thực hiện, nhằm phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ được UBND Tỉnh giao tại Kế hoạch hành động số 32/KH-UBND góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2021 của Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung.