BSC - KPI: Xu thế quản trị tất yếu

Theo Huỳnh Thị Thanh Thảo/doanhnhansaigon.vn

Theo khảo sát gần đây, hơn 80% số tập đoàn trong Top Fortune 500 cùng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp thế giới đã áp dụng công cụ BSC - KPI.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bắt kịp xu thế hiện tại, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đang dần thay thế các phương pháp quản trị truyền thống bằng hệ thống BSC - KPI. 

Trong chương trình CEO Talk Share diễn ra hồi tháng 10 vừa qua do BrainMark tổ chức, nhiều giám đốc điều hành (CEO) nêu thực trạng chính họ quản lý nhân viên còn cảm tính, chưa có hệ thống đánh giá năng lực, chưa ghi nhận được hiệu quả làm việc của nhân viên. Có CEO lại than phiền là gặp khó khăn trong việc chia thưởng cho nhân viên vào dịp cuối năm...

Thực trạng này còn phổ biến tại các DN Việt Nam khi chưa nhiều DN áp dụng đúng phương pháp Balanced Scorecard - Key Performance Indicator (BSC - KPI) trong điều hành DN. BSC - KPI được biết đến như một công cụ quản trị hữu hiệu của các DN trên thế giới.

Trước đây, DN Việt Nam chưa chú trọng vấn đề quản trị hiệu suất làm việc, nhưng giờ đây, trước tình hình cạnh tranh trở nên khốc liệt, các DN nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam, đòi hỏi các DN trong nước phải tăng hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực nhân viên nhằm tăng năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, hệ thống cấu trúc công ty còn đơn giản, số lượng nhân viên còn ít nên việc quản lý khá dễ dàng, còn chủ quan trong việc đánh giá năng lực nhân viên. Tuy nhiên, khi DN ngày càng phát triển, mở rộng quy mô thì việc đánh giá hiệu quả làm việc, năng lực nhân viên trở thành nhu cầu cấp thiết đối với cả người quản lý lẫn nhân viên.

Vậy DN có được lợi ích gì khi áp dụng hệ thống BSC - KPI?

Thứ nhất, DN sẽ xác định được mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh. Nhờ vậy, việc quản lý trở nên dễ dàng và thông suốt hơn vì nhân viên thấu hiểu mong muốn của ban lãnh đạo DN nên thực hiện các chiến lược theo đúng định hướng với mục tiêu đã đề ra.

Thứ hai, BSC - KPI giúp các nhà quản lý đánh giá đúng năng lực nhân viên vì hiệu quả làm việc đều được thể hiện bằng con số cụ thể. Từ đó DN sẽ có chế độ lương, thưởng xứng đáng, phù hợp với năng lực từng nhân viên, khiến nhân viên cảm thấy hài lòng, an tâm và tiếp tục nỗ lực cống hiến. Ngoài ra, những con số đánh giá năng lực nhân viên còn giúp các nhà quản lý phát hiện được điểm yếu của nhân viên và có cách thức giúp họ khắc phục để phát triển.

Tiếp theo phải kể đến lợi ích của việc hoàn thiện hệ thống vận hành. BSC - KPI giúp chỉ ra các lỗ hổng trong hệ thống DN, từ đó có thể điều chỉnh và hoàn thiện các quy trình, quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tiết kiệm chi phí.

Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Công ty Tư vấn BrainMark, DN Việt Nam vẫn còn lúng túng trong việc đánh giá và ghi nhận năng lực làm việc của nhân viên. Vấn đề quản trị hiệu suất chưa được đầu tư đúng mức. Không nên dựa vào cảm tính và chủ quan trong điều hành, phải dành thời gian xây dựng hệ thống mục tiêu.

Nhân viên rất cần biết rõ mục tiêu của công ty, phòng ban và nhất là mục tiêu cá nhân của họ. Điểm yếu của các DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay là chưa xây dựng hệ thống quản lý rõ ràng khiến nhân viên chưa thấy được mục tiêu cụ thể, nhiều người còn mơ hồ, không biết điểm hiệu quả cũng như điểm phấn đấu để tiệm cận mục tiêu của DN.

Qua đó có thể thấy, việc quản trị chiến lược gắn với cải tiến năng lực nhân viên, áp dụng kết hợp BSC và KPI là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, khi áp dụng, DN cũng cần biết phương pháp thiết lập và vận hành để hệ thống BSC - KPI phát huy được hiệu quả.