“Bức tranh” sáng màu của nhà ở xã hội


Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội cũng như đưa “giấc mơ an cư” đến gần với người thu nhập thấp.

Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ đưa “giấc mơ an cư” đến gần với người có thu nhập thấp. Ảnh:VA
Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ đưa “giấc mơ an cư” đến gần với người có thu nhập thấp. Ảnh:VA

Thời điểm trước khi Luật Nhà ở 2023 được thông qua, nhà ở xã hội là phân khúc chưa thực sự thu hút được các chủ đầu tư do chưa có nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Tháo gỡ “nút thắt” về thủ tục

Các quy định của luật cũ còn tồn tại nhiều điểm bất cập gây khó cho những nhà đầu tư quan tâm tới phân khúc nhà ở xã hội. Trong đó, nhiều chuyên gia chỉ ra một số bất cập như đối tượng mua nhà bị hạn chế; hay mâu thuẫn giữa chi phí đầu tư ngày càng cao nhưng không được bán giá cao đã ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã khắc phục được phần lớn các khó khăn trên theo hướng tạo thuận lợi hơn với chủ đầu tư làm dự án cũng như người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Một trong những điểm mới được quan tâm đó là việc phân bổ 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được các vướng mắc về quỹ đất từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà. Thông qua việc nắm rõ thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới cũng quy định, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án mà không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án.

Tại khoản 5 Điều 77 cũng cho phép các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhờ đó, giải quyết được những tồn tại của khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 - không cho phép các tổ chức tín dụng này cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, luật mới cũng đã bãi bỏ điều kiện cư trú, giao Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập, quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

So với luật cũ, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung hình thức xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; bổ sung hình thức đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; mở rộng chủ thể đầu tư của nhà ở xã hội như bổ sung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ trì quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn tài chính công đoàn…

Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sẽ khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ nhà ở xã hội. Cụ thể, bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội…

Tín hiệu vui cho người thu nhập thấp

Có thể thấy, các quy định mới có nhiều ưu đãi để các chủ đầu tư tích cực tham gia phát triển phân khúc này. Từ đó mang theo kỳ vọng gia tăng nguồn cung và đưa “giấc mơ an cư” của người thu nhập thấp trở thành hiện thực.

Đặt nhiều kỳ vọng vào các bộ luật mới, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành cho rằng, các điểm mới của ba luật vừa có hiệu lực sẽ giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc, trong đó có nhà ở xã hội.

Theo ông Nghĩa, trước đó doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin hỗ trợ. Những quy định này luôn được coi như “nút thắt” khiến dự án chậm tiến độ, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài.

Tuy nhiên, các vướng mắc này sẽ dần được giải quyết trong thời gian tới bởi Luật Nhà ở 2023 đã có hiệu lực từ 1/8 sẽ không bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ trên.

"Luật mới ban hành đưa ra quy định miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng và thuê đất ngay từ đầu, đó là điểm cực mạnh, giúp gỡ vướng cho chủ đầu tư, tăng tốc dự án nhà ở xã hội", ông Lê Hữu Nghĩa nhìn nhận.

Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá, việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Song, để giải quyết nguồn cung vẫn cần thêm những chính sách tháo gỡ trong xử lý quy trình thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia, đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó gia tăng nguồn cung ra thị trường.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn