"Bước đệm" hút vốn ngoại vào chứng khoán Việt Nam

Theo Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam/enternews.vn

Việc đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được kỳ vọng sẽ giúp tăng quy mô cho thị trường chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện cho nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn giảm mạnh trong những năm qua
Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn giảm mạnh trong những năm qua

Theo quy định, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa 90 ngày phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 64,2% doanh nghiệp sau cổ phần hoá đã thực hiện nêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. 

Trong khi đó, tỷ lệ thoái vốn tại DNNN thành công 100% so với kế hoạch đạt 53,3% với giá thoái vốn trung bình 44.763 VND/cổ phiếu, chỉ riêng một trường hợp ngoại lệ của Công ty Cổ phần In báo Lào Cai thoái vốn ngày 17/12/2019 với giá trung bình 16.500  VND/cổ phiếu.

Ngày 10/12/2019, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp báo liên quan tới kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN năm 2019 cho thấy tình hình cổ phần hóa đang diễn ra rất chậm. Một trong số những nguyên nhân là do các doanh nghiệp lớn cần thời gian xử lý đất đai, kiểm kê tài sản, đặc biệt là vấn đề hồ sơ pháp lý đất đai tại các địa phương. 

Theo đó, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung của nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP liên quan tới cổ phần hóa DNNN. Đây có thể sẽ là động lực giúp đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa trong thời gian tới. 

Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá trong năm 2020 cũng được Thủ tướng Chính phủ đề cập, cụ thể theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, 93 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2020, bao gồm Mobifone, Agribank, Vinacomin, Vinafood I, GEN1, GEN2,… Trong đó, hai thương vụ lớn được chờ đợi trong đợt cổ phần hóa sắp tới là Mobifone và Agribank. Tuy nhiên, Agribank khó có thể hoàn tất cổ phần hoá trong năm 2020 mà có thể phải tới 2021.

Năm 2020, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được cho là sẽ diễn ra sôi động hơn với nhiều doanh nghiệp đã được nhắc tới, trong khi đó hoạt động thoái vốn có thể sẽ không sôi động bằng, do tình hình thị trường chứng khoán đang còn gặp nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là dịch COVID-19.

Sau khi Nhà nước rút vốn khỏi các doanh nghiệp, dù dưới hình thức thoái vốn hay cổ phần hóa, về mặt hiệu quả, hoạt động của doanh nghiệp cải thiện lên khá nhiều. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm sau thoái vốn đạt 15,4%, trong khi trước khi thoái vốn là 12,4%. Tương tự, lợi nhuận trên tài sản (ROA) trung bình trước thoái vốn 1,5% trong khi sau thoái vốn ở mức 1,6%.

Mặc dù vậy, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giảm dần sau khi cổ phần hóa. Trước khi thoái vốn, tăng trưởng tổng tài sản có xu hướng tăng, sau đó chững lại, tới năm thứ 2 mới dần cải thiện. Bởi vì doanh nghiệp sau thoái vốn thường mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu lại tài sản doanh nghiệp.

Đặc biệt, số liệu chỉ ra rằng, khi số lượng doanh nghiệp được nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa tăng mạnh, thì thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, giai đoạn 2007-2008 và 2015-2016, hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá được nhà nước đẩy mạnh, khoảng thời gian sau đó thanh khoản thị trường chứng khoán trung bình năm 2009 đạt 1,623 tỷ/phiên (tăng 226% so với 2008), năm 2018 đạt 5,259 tỷ VND/phiên (tăng 28% so với 2017).

Thị trường chứng khoán là nơi giao dịch giữa người mua và người bán vốn (cổ phiếu). Để thúc đẩy thị trường phát triển, chúng ta cần xét hai phía: Đầu tiên là từ người bán, tức số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường càng lớn thì quy mô thị trường càng lớn.

Thứ hai là từ người mua, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường có nhiều cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt và quy mô vốn hóa lớn.

Về vấn đề sở hữu khối ngoại, các cổ phiếu hiện tại trên sàn gần như đã kín room, cơ hội để dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dần thu hẹp nếu không xuất hiện các cơ hội đầu tư mới hấp dẫn trên thị trường chứng khoán. Vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh sẽ góp phần giải được bài toán từ hai chiều về cả tăng quy mô cho thị trường lẫn tạo điều kiện để nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.