Thanh toán điện tử song phương:
Bước khởi đầu của lộ trình hình thành tài khoản thanh toán tập trung
(Tài chính) Mặc dù chưa có khuôn khổ pháp lý (Nghị định của Chính phủ) về nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhưng để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác thanh toán, cuối tháng 7/2013 vừa qua, Tổng giám đốc KBNN đã ban hành “Quy trình nghiệp vụ thí điểm thanh toán song phương điện tử (TTĐTSP) giữa KBNN và Ngân hàng Thương mại” theo Quyết định 699/QĐ-KBNN. Việc thực hiện Quyết định này được xem như là bước khởi đầu của lộ trình hình thành tài khoản thanh toán tập trung của KBNN (gọi tắt là TSA), tạo điều kiện thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ theo chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Theo kế hoạch, nghiệp vụ TTĐTSP được triển khai theo từng giai đoạn tương ứng với từng hệ thống NHTM (Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank) và không cùng lúc với thời điểm triển khai mở rộng nghiệp vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH). Với kế hoạch như vậy thì trong từng giai đoạn triển khai sẽ đồng thời tồn tại hai hệ thống thanh toán cũ (phân tán) và mới (tập trung) và sẽ làm cho đường đi của dòng tiền vốn KBNN trở nên phức tạp.
Một cơ chế quản lý và điều hành vốn KBNN cụ thể trong từng giai đoạn triển khai nghiệp vụ TTĐTSP là rất cần thiết để điều chỉnh dòng tiền vốn KBNN hoạt động thông thoáng, phục vụ tốt nhất cho các giao dịch thu, chi qua các đơn vị KBNN.
Thực trạng công tác thanh toán giữa KBNN cấp huyện và chi nhánh NHTM hiện nay
Hiện nay, phần lớn các giao dịch thu, chi vốn KBNN qua tài khoản tiền gửi, chuyên thu của các KBNN cấp huyện mở tại các chi nhánh NHTM đang ở trình độ thủ công và phân tán. Hầu hết các đơn vị KBNN cấp huyện đang sử dụng phương thức thanh toán thủ công bằng hình thức giao nhận chứng từ giấy kèm bảng kê thanh toán với các chi nhánh NHTM. Phương thức thanh toán thủ công này làm chậm các giao dịch thu chi qua KBNN cấp huyện, làm giảm tốc độ luân chuyển vốn KBNN và làm yếu sức mạnh thanh khoản của hệ thống KBNN.
Mặt khác, đặc điểm mô hình thanh toán phân tán qua tài khoản tiền gửi của các đơn vị KBNN cấp huyện mở tại các chi nhánh NHTM đã làm cho khả năng thanh khoản của từng đơn vị KBNN cấp huyện bị giới hạn trong phạm vi số dư hiện có trên tài khoản tiền gửi ngân hàng của đơn vị mình.
Để đảm bảo khả năng thanh khoản cho từng đơn vị KBNN cấp huyện, KBNN cấp tỉnh (với sự ủy quyền của KBNN) phải thực hiện cơ chế điều hòa vốn từ KBNN cấp huyện thừa vốn đến KBNN cấp huyện thiếu vốn (cả về không gian lẫn thời gian). Vì vậy, khả năng thanh khoản của các đơn vị KBNN cấp huyện đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi cơ chế điều hòa vốn này.
Cần thiết phải tham gia thanh toán điện tử song phương
Thực trạng nêu trên đã phản ảnh tình trạng tụt hậu chất lượng công tác thanh toán của các đơn vị KBNN cấp huyện so với các chi nhánh NHTM trên cùng địa bàn và tình trạng không đồng bộ với mô hình tập trung của hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).
Yêu cầu nâng cao chất lượng hệ thống thanh toán của KBNN cấp huyện để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin với hệ thống thanh toán của các chi nhánh NHTM, đồng thời, để dễ dàng giao diện với hệ thống TABMIS đòi hỏi KBNN phải chuyển đổi hệ thống thanh toán với NHTM từ mô hình thủ công, phân tán hiện nay sang mô hình TTĐTSP, tập trung.
Một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện được TSA là hệ thống KBNN phải thực hiện thanh toán thông suốt với các hệ thống Ngân hàng, trong đó có TTĐTLNH với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và TTĐTSP với các NHTM. Vì vậy, tham gia TTĐTSP với các NHTM, một mặt để điện tử hóa các giao dịch thanh toán giữa các đơn vị KBNN cấp huyện và các chi nhánh NHTM, mặt khác được xem như là bước khởi đầu cho lộ trình tập trung vốn về KBNN, từng bước hình thành TSA, tạo điều kiện cải cách quản lý ngân quỹ an toàn và hiệu quả theo chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Thanh toán điện tử song phương: Lợi ích và thách thức
TTĐTSP là hệ thống thanh toán điện tử giữa hệ thống KBNN với hệ thống NHTM thông qua tài khoản tiền gửi của KBNN (sở giao dịch) mở tại hội sở chính NHTM. Để tham gia TTĐTSP, các KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là KBNN cấp huyện) và sở giao dịch KBNN mở tài khoản thanh toán (thay tài khoản tiền gửi hiện nay) tại chi nhánh và hội sở chính của NHTM trên cùng địa bàn để thực hiện các giao dịch thu, chi qua tài khoản thanh toán này và tài khoản chuyên thu (nếu có).
Cuối ngày, toàn bộ các khoản thu, chi phát sinh trong ngày (tính từ sau giờ cut-off- time ngày làm việc hôm trước đến giờ cut-off-time của ngày làm việc hiện tại) của tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu của KBNN cấp huyện được kết chuyển (vế nợ, vế có riêng, không bù trừ) về tài khoản tiền gửi của Sở giao dịch KBNN tại hội sở chính NHTM cùng hệ thống. Riêng vế nợ của tài khoản thanh toán được để lại số dư không lớn hơn hạn mức dư nợ do KBNN quy định cho từng KBNN cấp huyện trong từng thời kỳ.
KBNN và NHTM tổ chức phối hợp TTĐTSP theo nguyên tắc kết nối và truyền, nhận thông tin, dữ liệu điện tử về các giao dịch thu, chi phát sinh trên tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu, tài khoản tiền gửi của các đơn vị KBNN tại các chi nhánh, hội sở chính của hệ thống NHTM đó.
Trường hợp KBNN cấp huyện chưa tham gia TTĐTSP thì các giao dịch thu, chi của KBNN cấp huyện vẫn được thực hiện thông qua tài khoản tiền gửi của KBNN cấp huyện tại chi nhánh NHTM theo quy trình thanh toán như hiện nay.
Những lợi ích khi tham gia thanh toán điện tử song phương
Các giao dịch thu, chi qua các đơn vị KBNN (cấp huyện và sở giao dịch) được xử lý nhanh, chính xác và an toàn hơn: tham gia hệ thống TTĐTSP, các dữ liệu thu, chi qua các đơn vị KBNN (cấp huyện và sở giao dịch) được truyền, nhận qua đường truyền dữ liệu điện tử (thay cho phương thức thanh toán giao, nhận chứng từ giấy hiện nay) nên các khoản thu (thu ngân sách nhà nước và thu khác) được tập trung đầy đủ, kịp thời hơn; các yêu cầu chi trả, thanh toán của các đơn vị giao dịch (đơn vị dự toán, chủ đầu tư, các đơn vị giao dịch khác) được đảm bảo thực hiện nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn.
Lợi ích từ điện tử hóa công tác thanh toán được thể hiện rõ qua việc tiết kiệm thời gian, công sức (nhập thủ công, giao nhận chứng từ giấy) của thanh toán viên KBNN, đồng thời, rút ngắn thời gian xử lý các giao dịch thu, chi của các đơn vị giao dịch với KBNN.
Nâng cao khả năng thanh khoản của các đơn vị KBNN cấp huyện: Tham gia hệ thống TTĐTSP theo mô hình tập trung, các giao dịch thu, chi qua các đơn vị KBNN cấp huyện được hạch toán vào tài khoản thanh toán (thay thế tài khoản tiền gửi hiện nay), tài khoản chuyên thu (nếu có) tại chi nhánh NHTM và mọi chênh lệch thừa, thiếu vốn đều được tập hợp và điều hành tập trung tại tài khoản tiền gửi của sở giao dịch KBNN tại hội sở chính NHTM cùng hệ thống. Các đơn vị KBNN cấp huyện không còn phụ thuộc vào số dư tài khoản tiền gửi ngân hàng và cơ chế điều hành vốn của KBNN cấp tỉnh như hiện nay. Vì vậy, khả năng thanh khoản của các đơn vị KBNN cấp huyện được nâng cao.
Những thách thức khi tham gia TTĐTSP
Mô hình tập trung đòi hỏi tính sẵn sàng cao của hệ thống TTĐTSP: chuyển đổi từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung tuy đem lại những lợi ích quan trọng như thống nhất ứng dụng, tích hợp dữ liệu, tối ưu hóa chi phí triển khai, hỗ trợ và bảo trì hệ thống nhưng sẽ đặt ra đòi hỏi cao về tính sẵn sàng của hệ thống.
Một sự cố xảy ra trong mô hình phân tán chỉ ảnh hưởng đến cục bộ của hệ thống nhưng trong mô hình tập trung lại ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Vì vậy, việc đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống và dữ liệu của hệ thống TTĐTSP là cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với hoạt động thanh toán của toàn hệ thống KBNN.
- Hệ thống TTĐTSP đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa KBNN và NHTM: Kinh nghiệm cho thấy, việc triển khai thực hiện các dự án công nghệ thông tin liên ngành thường gặp phải trở ngại do sự khác biệt trong cơ chế hoạt động giữa các ngành và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các chủ thể tham gia ở các ngành khác nhau. Vì vậy, sự phối hợp đồng bộ giữa KBNN và NHTM là đòi hỏi không thể thiếu cho việc triển khai thành công hệ thống TTĐTSP.
- Hệ thống TTĐTSP đòi hỏi đổi mới lề lối, thói quen làm việc cũ: Thách thức không thể tránh được và không thể xem thường trong quá trình chuyển đổi từ mô hình thanhtoán thủ công, phân tán sang mô hình thanh toán điện tử, tập trung là việc thay đổi những thói quen cũ vốn đã ăn sâu vào lề lối làm việc của đối ngũ cán bộ, công chức của các KBNN cấp huyện.
Cơ chế điều hành vốn KBNN trong từng giai đoạn triển khai thanh toán điện tử song phương
Theo kế hoạch xây dựng, triển khai các đề án, chính sách năm 2013 ban hành kèm theo quyết định 01/KBNN ngày 2/1/2013 của Tổng giám đốc KBNN và công văn 2095/KBNN-CNTT ngày 9/10/2013 của KBNN về việc rà soát chuẩn bị triển khai diện rộng TTĐTSP và phối hợp thu NSNN, các đơn vị KBNN cấp huyện trên toàn quốc sẽ bắt đầu tham gia TTĐTSP lần lượt với Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) vào ngày 21/10/2013, Ngân hàng Công thương (Vietinbank) vào ngày 4/11/2013 và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) vào khoảng đầu năm 2014. Riêng hệ thống TTĐTLNH sẽ được triển khai mở rộng cho các KBNN cấp tỉnh dự kiến vào giữa năm 2014.
Với kế hoạch như trên, trong từng giai đoạn triển khai sẽ đồng thời tồn tại hai hệ thống thanh toán phân tán (cũ), tập trung (mới) và hình thành các nhóm KBNN tương ứng với các hệ thống thanh toán tập trung và phân tán này. Cụ thể:
Giai đoạn từ nay đến cuối năm 2013
+ Nhóm KBNN thanh toán tập trung: Gồm các KBNN cấp huyện mở tài khoản thanh toán để tham gia TTĐTSP theo mô hình tập trung với các chi nhánh NHTM thuộc hệ thống BIDV và hệ thống Vietinbank. Nhóm KBNN cấp huyện này không còn thuộc phạm vi quản lý và điều hành vốn của KBNN cấp tỉnh mà chịu sự quản lý và điều hành vốn tập trung tại KBNN.
+ Nhóm KBNN thanh toán phân tán: Gồm các KBNN cấp huyện đang tham gia thanh toán theo mô hình thủ công, phân tán tại các chi nhánh NHTM thuộc hệ thống Agribank và các KBNN cấp tỉnh mở tài khoản tiền gửi để tham gia thanh toán theo mô hình thanh toán bù trừ phân tán tại các chi nhánh NHNN tỉnh. Các KBNN cấp huyện thuộc nhóm này vẫn chịu sự quản lý và điều hành vốn của KBNN cấp tỉnh (theo ủy quyền của KBNN) và các KBNN cấp tỉnh vẫn chịu sự quản lý và điều hành vốn của KBNN.
Ở giai đoạn này, cơ chế quản lý và điều hành vốn theo phương thức điều chuyển vốn từ đơn vị KBNN thừa vốn đến đơn vị KBNN thiếu vốn được thực hiện cho nhóm các KBNN thanh toán phân tán. Tuy nhiên, do không còn bao gồm các KBNN cấp huyện thuộc nhóm thanh toán tập trung nên kế hoạch vốn của các KBNN cấp tỉnh sẽ thay đổi, kéo theo thay đổi định mức tồn ngân quỹ tối thiểu của từng KBNN cấp tỉnh.
Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2014
+ Nhóm KBNN thanh toán tập trung: Bao gồm hầu hết các KBNN cấp huyện vì ở giai đoạn này hầu hết các KBNN cấp huyện đều tham gia TTĐTSP theo mô hình tập trung với các NHTM thuộc hệ thống BIDV, Vietinbank, Agribank. Nhóm KBNN cấp huyện này không còn thuộc phạm vi quản lý và điều hành vốn của KBNN cấp tỉnh mà chịu sự quản lý và điều hành vốn tập trung tại KBNN.
+ Nhóm KBNN thanh toán phân tán: Gồm hầu hết các KBNN cấp tỉnh (trừ các KBNN cấp tỉnh đã thực hiện thí điểm TTĐTLNH theo mô hình tập trung với chi nhánh NHNN tỉnh) mở tài khoản tiền gửi để tham gia thanh toán bù trừ theo mô hình phân tán tại các chi nhánh NHNN tỉnh. Các KBNN cấp tỉnh vẫn chịu sự quản lý và điều hành vốn của KBNN như hiện nay nhưng không còn quản lý và điều hành vốn KBNN cấp huyện trực thuộc.
Cơ chế quản lý và điều hành vốn phân tán (theo phương thức điều chuyển vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu) được KBNN thực hiện đối với các KBNN cấp tỉnh. Các KBNN cấp huyện được KBNN quản lý vốn tập trung tại các tài khoản tiền gửi của sở giao dịch KBNN tại hội sở chính NHTM.
Giai đoạn từ tháng 7/2014 trở đi
Tất cả các đơn vị KBNN đều đã tham gia thanh toán điện tử theo mô hình tập trung với các hệ thống ngân hàng. Các KBNN cấp tỉnh tham gia TTĐTLNH với hệ thống NHNN, các KBNN cấp huyện tham gia TTĐTSP với các hệ thống NHTM (BIDV, Vietinbank, Agribank). Cơ chế quản lý và điều hành vốn KBNN được chuyển từ mô hình quản lý phân tán sang mô hình quản lý tập trung, tạo thuận lợi cho việc hình thành tài khoản thanh toán tập trung TSA, thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ theo chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
___________________
Tài liệu tham khảo :
- Quyết định 01/QĐ-KBNN, ngày 2/1/2013, của Tổng giám đốc KBNN về việc ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2013 của hệ thống KBNN.
- Báo cáo tình hình và kế hoạch triển khai TTĐTSP tập trung và TTĐTLNH, tài liệu họp giao ban
Giám đốc KBNN, tháng 7/2013.
- Quyết định 699/QĐ-KBNN, ngày 25/7/2013, của Tổng giám đốc KBNN về việc ban hành quy trình nghiệp vụ thí điểm TTĐTSP giữa KBNN và NHTM.
- Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; KBNN, Bộ Tài chính; Nhà xuất bản Tài chính; Hà Nội, năm 2008.
Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ số 137