Bước phát triển mới cho điện hạt nhân Việt Nam

Phạm Hạnh

(Tài chính) Đặt nền móng cho lĩnh vực điện hạt nhân Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới thì rất cần có hệ thống nghiên cứu hỗ trợ các vấn đề liên quan đến điện hạt nhân như an toàn, vận hành, bảo dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó việc xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân đã và đang được Chính phủ Việt Nam xúc tiến đầu tư.

Tiền đề của Dự án Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân được hình thành ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thỏa thuận hợp tác chính thức với Liên bang Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam (nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1) trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vào tháng 12/2009.

Mục đích của Trung tâm là hỗ trợ dự án điện hạt nhân và chương trình điện hạt nhân của Việt Nam nói chung. Vốn xây dựng Trung tâm sẽ được Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam thông qua tín dụng ưu đãi, với trọng tâm là phát triển điện hạt nhân.

Nhận thấy sự cần thiết và vai trò to lớn của Dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân đối với việc phát triển lĩnh vực điện hạt nhân, Chính phủ Việt Nam đã giao cho Viện năng lương nguyên tử Việt Nam trực tiếp thực hiện Dự án. Với lịch sử phát triển hơn 35 năm, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong hình thành và phát triển ngành năng lượng nguyên tử, góp phần đưa ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Trung tâm KH&CN hạt nhân là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với trọng tâm là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và các thiết bị nghiên cứu chủ yếu khác nhằm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của đất nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển ngành điện hạt nhân nói riêng và ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các ngành kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Với mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học kỹ thuật và con người này, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga về điện hạt nhân đã đặt ra việc hình thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân phù hợp với chương trình hợp tác khoa học – kỹ thuật giữa hai nước, trước mắt để hỗ trợ thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và về lâu dài để tiếp thu công nghệ được chuyển giao, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế, kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo cho các nhà máy điện hạt nhân vận hành an toàn và khai thác hiệu quả. Đồng thời, Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân sẽ tạo điều kiện tốt để triển khai thực hiện các nghiên cứu hiện đại, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác và từng bước nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia.

Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam đã khởi động lại trong 10-15 năm vừa qua. Xu thế phát triển trong tương lai thì lĩnh vực điện hạt nhân của Việt Nam đóng vai trò to lớn trong việc cung cấp nguồn năng lượng sạch, đáp ứng tốc độ phát triển của đất nước. Đặc biệt hơn nữa, việc thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân không những góp phần đáng kể giải quyết nhiệm vụ an ninh năng lượng, mà còn thực sự thúc đẩy khoa học công nghệ của đất nước, đưa kinh tế vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Trong những năm qua, với sự tham gia tích cực của các Bộ, Ngành đối với chương trình điện hạt nhân nhưng mức độ tham gia vẫn chưa thực sự đáng kể. Trong 2 năm gần đây, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nghiên cứu khả thi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn của Việt Nam đang còn rất ít. Chúng ta chỉ tham gia vào một vài nhiệm vụ liên quan đến khảo sát địa điểm, thu thập số liệu đánh giá tác động môi trường, và vài nhiệm vụ đặc thù Việt Nam khác liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật với tư cách hỗ trợ cho tư vấn nước ngoài. Các nhiệm vụ liên quan đến thiết kế cơ sở, đánh giá phân tích an toàn, vấn đề nhiên liệu, vật liệu … hoàn toàn do tư vấn nước ngoài thực hiện.

Trong thời gian qua, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho việc xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân. Viện đã tiến hành tổ chức các đoàn công tác tham quan tìm hiểu một số Viện nghiên cứu của Liên bang Nga để xây dựng mô hình Trung tâm KH&CN hạt nhân; Ký Hiệp định Liên Chính phủ về xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân; Tìm kiếm và khảo sát các địa điểm xây dựng lò nghiên cứu mới; Phối hợp với các đoàn chuyên gia ROSATOM để nghiên cứu các địa điểm tiềm năng, thảo luận về nhiệm vụ kỹ thuật; Lập báo cáo nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng lò nghiên cứu mới...

Với tình hình thực tế hiện nay, xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân với lò phản ứng mới là rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Mặc dầu Việt Nam có lò nghiên cứu vận hành từ hơn 30 năm, vai trò chủ yếu của lò nghiên cứu hiện nay chủ yếu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử và kỹ thuật hạt nhân. Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ cán bộ về vật lý lò, tuy nhiên, do điều kiện thực tế không cho phép thu hút đào tạo cán bộ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, đội ngũ cán bộ chuyên gia về lò vẫn còn rất mỏng. Theo đánh giá của các chuyên gia về điện hạt nhân trên thế giới thì đội ngũ cán bộ cho điện hạt nhân của Việt Nam hiện nay vẫn đang đứng ở vạch xuất phát. Do đó việc xây dựng một lò nghiên cứu mới, công suất lớn hơn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu ở mức cao hơn, là cần thiết. Xây dựng lò nghiên cứu mới sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu sau đây:

Một là: Xây dựng đội ngũ cán bộ về vật lý hạt nhân và vật lý lò (việc Việt Nam tham gia vào thiết kế lò nghiên cứu mới là cần thiết để nâng lên một mức độ khác cao hơn trình độ của đội ngũ chuyên gia về vật lý lò);

Hai là: Đẩy mạnh nghiên cứu tiên tiến về vật lý hạt nhân, vật lý nơtron, vật lý lò, điều khiển và tự động, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu chiếu xạ;

Ba là : Đẩy mạnh nghiên cứu về phóng xạ, chất thải phóng xạ, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ hỗ trợ cho các dự án điện hạt nhân;

Bốn là: Góp phần tích cực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia cần thiết cho chương trình điện hạt nhân (phối hợp với các trường đại học, mở khoa công nghệ điện hạt nhân tại đại học Đà Lạt);

Năm là: Chiếu xạ Silic, sản xuất đồng vị phóng xạ cho nhu cầu thực tế cần thiết hiện nay, ứng dụng trong y tế (điều trị ung thư …);

Sáu là : Là nơi đào tạo cán bộ (đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý) tốt cho các dự án xây dựng cơ sở hạt nhân, quản lý dự án điện hạt nhân.