Bước tiến quan trọng trong huy động tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Vấn đề nổi cộm đang hâm nóng bầu không khí ở Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) là vấn đề tài chính. Đây vốn được xem là nội dung phức tạp nhất nhưng cũng quan trọng nhất trong tất cả các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu.
Ngay trong ngày đầu khai mạc (ngày 30/11, tại Dubai - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), COP 28 đã chứng kiến một bước tiến quan trọng trong việc huy động tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hội nghị COP28 đã đạt được bước đột phá sau khi các quốc gia nhất trí đưa vào vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại.
Quỹ Tổn thất và Thiệt hại được thống nhất thành lập vào năm 2022 để các nước phát triển tài trợ cho những nước kém phát triển hơn nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chỉ tới COP28 với quyết định mới nhất được thông qua, Quỹ Tổn thất và Thiệt hại mới có thể chính thức đi vào hoạt động.
Hiện nay, nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã cam kết tài trợ 100 triệu USD cho quỹ. Đức cũng cam kết tài trợ 100 triệu USD, Anh hơn 75 triệu USD. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản lần lượt cam kết tài trợ gần 20 triệu USD và 10 triệu USD.
Bước tiến trong vấn đề phức tạp như tài chính khí hậu càng được kỳ vọng sẽ tạo đà cho cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu. Theo báo cáo mới nhất của Trường Đại học Delaware (Mỹ), những quốc gia chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất từ biến đổi khí hậu là các quốc gia đang phát triển, đa phần là các nền kinh tế eo hẹp về nguồn lực tài chính. Các quỹ tài chính quốc tế vì vậy đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những quốc gia bị ảnh hưởng.
Cũng trong khuôn khổ COP28, bà Ursula Von De Leyen - Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cũng cam kết Liên minh châu Âu sẽ đầu tư 2,3 tỷ USD để ủng hộ cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu ở trong và ngoài khối. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tất cả những nguồn tài trợ này vẫn quá ít ỏi so với thực trạng.
"Thực tế chúng ta đang thiếu hụt tài chính tới hàng nghìn tỷ USD. Trong khi các quỹ hỗ trợ chỉ có thể hứa hẹn ở mức tỷ USD và đây là thực trạng từ năm 2015. Chúng ta cần phải cùng nhau hành động, huy động nguồn lực trong nước, tận dụng đòn bẩy của khu vực tư nhân, nâng cao hiệu quả giải ngân vốn của các ngân hàng đa phương", ông Mahmoud Mohieldin - nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhận định.
Lượng tiền cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, thích ứng với khí hậu và cứu trợ thiên tai là rất lớn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ước tính các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển sẽ cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm để hạn chế lượng khí thải, thích ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại.
Theo đó, ngày 6/12/2023, Phát biểu tại COP28, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell kêu gọi các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia UNFCCC (COP28) thực hiện các hành động tham vọng và quyết liệt hơn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông Stiell nêu bật sự cần thiết phải thực hiện cam kết tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chỉ khi đạt được tiến bộ thực sự về vấn đề tài chính mới có thể mang lại kết quả đáng kể và động lực cho các hành động về khí hậu. Các cuộc đàm phán tại COP28 phải đặt vấn đề này lên hàng đầu”.
Cũng theo ông Stiell, trước khi COP28 kết thúc vào cuối tuần tới, các nước tham dự hội nghị cần đạt được một thỏa thuận nhằm đẩy nhanh các hành động khí hậu.