Chính sách phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản góp phần bảo vệ môi trường
Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là nguyên, nhiên liệu cho các ngành sản xuất và đời sống xã hội. Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững. Phí, lệ phí là công cụ quản lý nhà nước, động viên nguồn lực, giải quyết hài hòa quan hệ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thực trạng chính sách phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản ở Việt Nam
Vai trò của phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản nhằm bảo vệ môi trường
Chính sách phí, lệ phí trong hoạt động khoáng sản có vai trò bảo vệ môi trường (BVMT), cụ thể:
Phí đối với hoạt động khoáng sản là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động khoáng sản và được cơ quan có thẩm quyền quy định thu phí. Phí trong hoạt động khoáng sản bảo đảm chi phí xây dựng, củng cố hệ thống thông tin về khoáng sản. Từ đó giúp tổ chức, cá nhân xây dựng phương án BVMT hiệu quả trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm các chi phí cần thiết để thẩm định, nâng cao trách nhiệm và chất lượng thẩm định điều kiện BVMT trong hoạt động khoáng sản... chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về BVMT khi đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản...
Lệ phí đối với hoạt động khoáng sản là khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản và được cơ quan có thẩm quyền quy định thu lệ phí. Lệ phí đối với hoạt động khoáng sản là công cụ quản lý trực tiếp đối với hoạt động khoáng sản, từ đó, phản ánh phần nào thực trạng công tác BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Chính sách phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản góp phần bảo vệ môi trường
Chính sách phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản được thể hiện trong Luật Phí và lệ phí; Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính bao gồm: Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định phí BVMT đối với khai thác khoáng sản; Thông tư số 190/2016/TT-BTC và Thông tư số 191/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác, sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản, lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Theo đó, chính sách phí, lệ phí trong hoạt động khoáng sản bao gồm:
- Lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản: Tổ chức, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản phải nộp lệ phí. Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động thăm dò khoáng sản tỷ lệ thuận với diện tích thăm dò được cấp phép. Mức lệ phí cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản thay đổi theo nhóm giấy phép khai thác khoáng sản. Tiền lệ phí thu được nộp toàn bộ vào NSNN.
- Phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản: Tổ chức cá nhân, khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản phải nộp phí cho Trung tâm Thông tin Lưu trữ Địa chất trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mức thu phí tương ứng với từng loại tài liệu mà tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng. Tiền phí thu được để lại một phần cho tổ chức thu phí để phục vụ hoạt động cung cấp tài liệu. Phần còn lại, nộp toàn bộ vào NSNN.
- Phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản: Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản phải nộp phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản. Mức phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản tỷ lệ thuận với tổng chi phí thăm dò khoáng sản. Tổ chức thu phí được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản, thu phí, phần còn lại nộp NSNN.
- Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản để góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản gây ra và bảo đảm chi phí thực hiện thu phí. Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản nộp toàn bộ vào NSNN được sử dụng theo quy định của Luật NSNN.
Từ chính sách phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản cho thấy:
Thứ nhất, phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản chưa đồng bộ với pháp luật khoáng sản. Nhiều dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản và phục vụ hoạt động khoáng sản đã được quy định trong Luật Khoáng sản nhưng chưa quy định thu lệ phí và phí. Pháp luật khoáng sản đã quy định thẩm định phê duyệt báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Tuy nhiên, chưa có quy định thu phí với hoạt động thẩm định này.
Thứ hai, pháp luật phí, lệ phí chưa phát huy tốt nhất vai trò BVMT đối với hoạt động khoáng sản. Đối với những khoản phí đã được ban hành chưa khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện BVMT trong hoạt động khoáng sản. Đồng thời, có nhiều khoảng trống chưa quy định thu phí, lệ phí để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc BVMT đối với hoạt động khoáng sản.
Theo pháp luật hiện hành thì mức phí BVMT đối với khai thác khoáng sản căn cứ vào khối lượng khoáng sản khai thác trong kỳ tính phí. Tuy nhiên, thực tế ô nhiễm môi trường phụ thuộc vào thực hiện biện pháp BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trường hợp khai thác khối lượng lớn khoáng sản nhưng thực hiện tốt biện pháp BVMT thì mức độ gây ô nhiễm môi trường sẽ thấp hơn so với trường hợp khai thác khối lượng nhỏ khoáng sản nhưng không thực hiện BVMT. Như vậy, quy định hiện hành chưa khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện BVMT trong khai thác khoáng sản.
Theo quy định pháp luật khoáng sản, để được cấp phép hoạt động khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải được thẩm định đủ điều kiện, trong đó có điều kiện BVMT đối với hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định thu phí thẩm định điều kiện hoạt động khoáng sản (Thẩm định điều kiện thăm dò khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản). Vì vậy, chưa phát huy tốt vai trò của phí trong BVMT đối với hoạt động khoáng sản.
Vấn đề đặt ra
Việc hoàn thiện pháp luật phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản góp phần BVMT cần xem xét hài hòa một số mối quan hệ bao gồm:
- Trong mối quan hệ với kinh tế - xã hội:
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều loại khoáng sản được khai thác, chế biến để phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế. Hoạt động khoáng sản từng bước hướng tới gắn kết chặt chẽ mục tiêu lợi nhuận, kinh tế với trách nhiệm BVMT. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật phí, lệ phí cần khuyến khích hoạt động khoáng sản gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và BVMT.
- Trong mối quan hệ với quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội:
Thời gian đầu thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản thường tạo ra biến động đối với đời sống dân cư, an ninh trật tự của khu vực có hoạt động khoáng sản. Bởi việc thu hút nguồn lao động từ nhiều địa phương khác đến, nhập cư với số lượng lớn lao động dẫn đến nhiều hệ lụy. Từ những tác động này đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản góp phần BVMT phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội.
- Trong mối quan hệ với tài nguyên thiên nhiên:
Các mỏ khoáng sản thường ở vùng sâu, vùng xa nơi người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Hoạt động khai khoáng sử dụng chủ yếu tài nguyên đất, rừng, nước mà cuộc sống người dân lao động trực tiếp phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đó. Quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản thường tạo ra một lượng đất đá thải, bùn thải khi gặp thời tiết bất lợi sẽ bị sạt lở, sói mòn gây bồi lấp các khu vực hạ lưu sông suối... Từ những tác động này đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản góp phần BVMT phải gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo đảm phát triển bền vững.
- Trong mối quan hệ với tiến bộ khoa học, công nghệ:
Trong bối cảnh điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng khó khăn. Các tiến bộ khoa học công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản góp phần quan trọng trong việc BVMT. Vì vậy, đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản góp phần BVMT phải gắn với tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
Khuyến nghị hoàn thiện chính sách phí, lệ phí đối với hoạt động khoáng sản góp phần bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, chính sách phí, lệ phí cần hoàn thiện nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và cơ cấu lại nguồn thu NSNN trong giai đoạn tới; khắc phục hạn chế trong thực hiện; phát huy vai trò BVMT trong hoạt động khoáng sản. Cụ thể:
Hoàn thiện chính sách phí, lệ phí hiện hành đối với hoạt động khoáng sản nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường
Hoàn thiện chính sách phí BVMT đối với khai thác khoáng sản:
- Về đối tượng chịu phí cần hoàn thiện theo hướng quy định rõ: Hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường là đối tượng chịu phí. Cùng là hoạt động khai thác khoáng sản nhưng sử dụng công nghệ khai thác, phương pháp khai thác khác nhau thì mức độ gây ô nhiễm môi trường khác nhau và mức thu phí BVMT là khác nhau.
- Về tổ chức, cá nhân nộp phí cần hoàn thiện trên nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải chi trả. Tổ chức, cá nhân nộp phí là người gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản. Tổ chức, cá nhân là người nộp phí trước tiên phải là được phép khai thác khoáng sản. Trường hợp tổ chức, cá nhân không được phép khai thác khoáng sản mà tự ý khai thác khoáng sản thì không thuộc trường hợp nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản mà thuộc đối tượng điều chỉnh của quy phạm pháp luật khác.
- Về mức thu, phương pháp tính phí cần hoàn thiện trên cơ sở nguyên tắc: Mức phí BVMT đối với khai thác khoáng sản gắn liên với mức độ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản. Trường hợp khai thác khoáng sản không gây ô nhiễm môi trường thì không phải nộp phí. Việc hoàn thiện mức thu, phương pháp tính phí cần hướng tới:
+ Khuyến khích thu hồi tối đa khoáng sản trong quá trình khai thác.
+ Phương pháp tính phí cần căn cứ mức độ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản; không căn cứ vào khối lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế để xác định số phí phải nộp. Mức phí BVMT đối với khai thác khoáng sản tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt đông khai thác khoáng sản gây ra và cần xác định trên cơ sở công nghệ khai thác, phương pháp khai thác. Đối với trường hợp khai thác khoáng sản không gây ô nhiễm môi trường thì không thu phí BVMT.
+ Mức phí BVMT đối với khai thác từng khoáng sản khác nhau, ở địa phương khác nhau, mức độ ô nhiễm khác nhau thì mức thu phí khác nhau.
+ Việc quản lý, sử dụng phí BVMT đối với khai thác khoáng sản phải phù hợp với Luật BVMT và Luật Phí và lệ phí, tiền phí thu được sau khi trích lại một phần phục vụ thu phí; phần còn lại sử dụng để chi cho các nội dung phục hồi tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hoàn thiện phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản; phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản.
Hoạt động này nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, yêu cầu thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản trong BVMT đối với hoạt động khoáng sản; nâng cao chất lượng tài liệu địa chất, khoáng sản; nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản, góp phần BVMT đối với hoạt động khoáng sản.
Hoàn thiện lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Việc hoàn thiện này nhằm góp phần sàng lọc tổ chức đủ điều kiện thực hiện tốt nhất việc BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Đảm bảo đồng bộ với pháp luật khoáng sản
Chính sách phí, lệ phí trong hoạt động khoáng sản phải đồng bộ với pháp luật khoáng sản, cùng hướng tới BVMT trong hoạt động khoáng sản. Pháp luật hiện hành đã quy định nhiều hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời cung cấp các dich vụ công để tăng cường quản lý và góp phần hỗ trợ tổ chức, cá nhân thuận lợi trong thực hiện BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, các hoạt động nay chưa quy định thu phí và lệ phí phù hợp. Vì vậy, cần thiết hoàn thiện chính sách phí, lệ phí trong hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm đồng bộ với pháp luật khoáng sản cùng hướng tới mục tiêu BVMT.
Bổ sung một số khoản phí, lệ phí nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản
Một là, bổ sung phí thẩm định điều kiện hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản vào danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản phí này. Phí thẩm định điều kiện hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nhằm góp phần bảo đảm chi phí thẩm định, nâng cao chất lượng công tác thẩm định điều kiện hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo đảm tổ chức, cá nhân được phép điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản có đủ điều kiện hoạt động, đủ năng lực BVMT trong quá trình hoạt động khoáng sản.
Hai là, bổ sung phí thẩm định phê duyệt báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản vào danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quy định khoản phí này. Phí thẩm định phê duyệt báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, góp phần bảo đảm chi phí thẩm định phê duyệt báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Ba là, bổ sung phí sử dụng thông tin về khoáng sản trong khu vực đã điều tra vào danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quy định khoản phí này. Phí sử dụng thông tin về khoáng sản trong khu vực đã điều tra do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nhằm góp phần bảo đảm chi phí xây dựng và duy trì hệ thống thông tin về khoáng sản trong khu vực đã điều tra, là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu đưa ra giải pháp hiệu quả để BVMT trong khai thác khoáng sản.
Bốn là, bổ sung phí thẩm định đề án thăm dò khoáng sản vào danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết đối với khoản thu này. Phí thẩm định đề án thăm dò khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhằm bảo đảm chi phí thẩm định đề án thăm do khoáng sản, góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Năm là, bổ sung phí thẩm định điều kiện hoạt động khoáng sản (Thẩm định điều kiện thăm dò khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản) vào danh mục phí kèm theo Luật Phí và lệ phí, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết khoản phí này. Phí thẩm định điều kiện hoạt động khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, góp phần bảo đảm chi phí thẩm định điều kiện hoạt động khoáng sản.
Sáu là, bổ sung phí thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và phê duyệt trữ lượng khoáng sản vào danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết khoản phí này. Phí thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và phê duyệt trữ lượng khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, góp phần bảo đảm chi phí thẩm định, nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và phê duyệt trữ lượng khoáng sản; xây dựng tài liệu quan trọng để tham khảo, xây dựng phương án BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2016), Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;
- Chính phủ (2023), Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định phí BVMT đối với khai thác khoáng sản;
- Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 190/2016/TT-BTC và Thông tư số 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác, sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản, lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.