Bước tiến vững chắc của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
2017 là năm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục có bước tiến vững chắc; nhiều chính sách mới, đột phá có hiệu lực đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa lớn. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, những thành công bước đầu đã làm rõ, tăng cường vai trò của bảo hiểm trong đời sống xã hội và nhận thức của tầng lớp nhân dân, thúc đẩy bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, làm cơ sở cho chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn. |
Về phát triển đối tượng và bảo đảm nguồn thu cho quỹ BHXH, BHYT. Năm 2017, tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 13,5 triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc và gần 250 nghìn người tham gia vào BHXH tự nguyện... Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành.
Mỗi một năm qua, vận động, thuyết phục được trên 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt trong lĩnh vực BHYT, cho đến thời điểm hiện tại đã có gần 81 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm 86,4% và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167. Có thể nói, chúng ta đang tiến dần, tiến vững chắc đến mục tiêu BHYT toàn dân mà QH đặt ra.
Những thành tựu về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin có phải là điểm sáng của ngành BHXH trong năm 2017, thưa ông?
Năm 2017, ngành BHXH được đánh giá đứng thứ hai trong khối bộ, ngành về thành tựu trong cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, BHXH đã giảm bộ thủ tục, quy trình nghiệp vụ từ 115 bộ năm 2016 còn 28 bộ. Không dừng ở đó, theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, 2018 sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin - Truyền thông về xếp hạng các bộ, ngành ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ số sẵn sàng trong ứng dụng công nghệ thông tin thì BHXH Việt Nam đứng thứ 2/20 bộ, ngành.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã thiết lập được hệ thống mã số BHXH, hay còn gọi là mã ID cho mỗi người dân ở Việt Nam, từ lúc sinh ra đến khi mất đi mỗi người sẽ có một mã số duy nhất. Mã số này là một trong những công cụ tích cực để người dân tự tra cứu và kiểm soát quá trình đóng hưởng cũng như là cơ sở để bảo đảm cho việc thụ hưởng cả quyền lợi BHXH, BHYT và tích hợp các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành khác có liên quan với vị trí là một trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hoàn thiện hệ thống giao dịch điện tử từ cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam đến hệ thống phần mềm từ thu sổ thẻ đến hệ thống tài chính để bảo đảm cho các tổ chức, người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, ngành BHXH đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT hay còn gọi là giám định điện tử.
Năm 2017, chúng tôi đã đưa vào vận hành thành công hai trung tâm. Thứ nhất là Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin của toàn ngành theo hướng Chính phủ điện tử là tập trung thống nhất ở Trung ương thay vì phân tán rời rạc ở 63 tỉnh, thành phố, cũng như trên 750 huyện như thời điểm năm 2016.
BHXH Việt Nam cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Dịch vụ khách hàng, bảo đảm trực 24/24h, để có thể trả lời tất cả các vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân lên quan đến chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Những thách thức, khó khăn mà ngành BHXH đang phải đối mặt và giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như lâu dài đối với BHXH, BHYT là gì thưa ông?
Ông Phạm Lương Sơn: Đối với BHXH, thách thức lớn nhất là độ bao phủ. Trong khu vực có quan hệ lao động hiện nay, gọi là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH nhưng chúng ta mới có được gần 14 triệu người tham gia và mới đáp ứng được 60 - 70% tổng lực lượng lao động đang làm việc. Vẫn còn 5 - 6 triệu người thuộc đối tượng này không tham gia. Đấy là thách thức quá lớn, buộc chúng ta phải có giải pháp tích cực.
Ngoài ra, có thể kể đến những thách thức như vấn đề về thị trường lao động, vấn đề dôi dư lao động, già hóa dân số. Riêng lĩnh vực y tế còn phải đối mặt với sự đan xen các mô hình bệnh tật mà Việt Nam lại chưa đạt đến trình độ về y tế cao như trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải đề cập một cách quyết liệt hơn việc điều chỉnh chính sách. Ví dụ, đối với BHXH tự nguyện, với cơ chế hiện nay, chúng tôi cho rằng người nghèo cảm thấy đóng cao quá so với khả năng thu nhập của họ, còn người giàu chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì họ lại không quan tâm đến chuyện đóng bởi vì họ thấy chưa thấy hấp dẫn. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ kết cấu là có các quyền lợi về hưu trí và về tử tuất.
Thứ hai, cần phải hoàn thiện thêm những hệ thống về văn bản quy phạm pháp luật giúp cho ngành BHXH tổ chức thực hiện tốt hơn.
Thứ ba, liên quan tới việc phải điều chỉnh làm sao để bảo đảm nguyên lý đóng - hưởng trong khi nguồn cung ứng còn hạn hẹp. Cụ thể hơn là cần những lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế sao cho phù hợp khi chúng ta hướng tới tự chủ, hướng tới giá dịch vụ y tế đầy đủ.
Bên cạnh đó, đối với nội tại ngành BHXH cũng có 3 vấn đề cần chú trọng: Một là công tác truyền thông thời gian qua đã được đẩy mạnh nhưng cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác này cả về hình thức lẫn nội dung, nhằm mục tiêu phát triển ổn định, bền vững nhóm đối tượng đã tham gia và hướng tới những nhóm đối tượng phát triển mới trong lĩnh vực BHXH tự nguyện và BHYT; đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, cần phải có chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp trục lợi trong lĩnh vực y tế.
Thứ ba là cần tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới, hoàn thiện công nghệ thông tin. Năm 2018, ngành BHXH sẽ tập trung vào một trong những vấn đề then chốt là phát hành bước đầu thẻ BHXH, BHYT điện tử. Có thể nói, đây là thách thức, khó khăn đặt ra cho ngành, nhưng nếu thành công thì đó là một điều rất có ý nghĩa.
Xin cảm ơn ông!