Tháo gỡ vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế
Làm sao để Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) ổn định, bền vững nhưng đồng thời khai thông những vướng mắc trong cân đối thu - chi của các cơ sở y tế là vấn đề mà Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đang nỗ lực cùng phối hợp giải quyết.
Một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua là rủi ro đối với Quỹ BHYT. Xung quanh vấn đề này, BHXH đã phát đi thông điệp lý giải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời giải đáp tất cả các vướng mắc liên quan của người dân, từ đó giúp người dân hiểu rõ vấn đề.
Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), tổng chi khám chữa bệnh BHYT 9 tháng đầu năm 2017 là trên 71.325 tỷ đồng; đã có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh. Năm 2017, Quỹ BHYT chỉ thu khoảng 80.000 tỷ đồng, trong khi thực chi dự kiến lên tới 85.000 tỷ đồng, bội chi 5.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2017, có 35 tỉnh, thành phố đã chi vượt 100% Quỹ khám chữa bệnh năm 2017, trong đó có những tỉnh đã chi trên 150% như Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa…Tình trạng vi phạm, trục lợi BHYT ngày càng diễn biến phức tạp, như cố ý làm trái trong khi thi hành công vụ; cố ý lập sai hồ sơ bệnh án điều trị nội trú cho bệnh nhân có thẻ BHYT…
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có sự thay đổi, trong công tác quản lý phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để công tác khám chữa bệnh BHYT công bằng và hiệu quả hơn. Đây là nội dung được thảo luận tại Hội nghị “Giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT” diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa BHXH và BHYT cần được đánh giá một cách thấu đáo. Theo đó, ngành Y tế có trách nhiệm rất lớn trong chăm lo sức khỏe nhân dân trong khi nguồn lực hạn hẹp; BHXH giữ quỹ nhưng nguồn lực lại có hạn, một mặt phải quản lý quỹ hiệu quả, mặt khác phải đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và đây là mục tiêu quan trọng nhất.
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa quyền lợi của người bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT. Bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ cho người bệnh và có khả năng cân đối Quỹ BHYT, đặc biệt là trong giai đoạn chưa được điều chỉnh mức đóng BHYT. Cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh cần thống nhất để giải quyết, thanh toán dứt điểm các khoản còn treo, chưa thống nhất quyết toán và thanh toán để bệnh viện cân đối tài chính thực hiện tự chủ… Cần tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và BHXH; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia BHYT và tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, hai ngành cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác khám chữa bệnh; mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư y tế tiết kiệm và hiệu quả; Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT...
Theo đó, BHXH Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng hệ thống giám định điện tử. Bộ Y tế xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để giảm giá dịch vụ y tế cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lạm dụng kỹ thuật, trục lợi Quỹ BHYT… Tích cực phối hợp với BHXH Việt Nam để tiếp tục giải quyết các vướng mắc trong thanh toán, quản lý quỹ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm minh bạch trong việc thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh bằng BHYT.