Cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều “khát” niềm tin

Theo SGTT

"Nhưng một vấn đề nghiêm trọng khác là sự gia tăng nợ quá hạn của các DNNN. DNNN đang nợ khoảng 145 nghìn tỉ đồng, trong đó khoảng 20~30% là nợ không có khả năng hoàn trả."

"Nhưng một vấn đề nghiêm trọng khác là sự gia tăng nợ quá hạn của các DNNN. DNNN đang nợ khoảng 145 nghìn tỉ đồng, trong đó khoảng 20~30% là nợ không có khả năng hoàn trả."

Nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra ngày 3.12 tại Hà Nội, chia sẻ tâm tư chung với các doanh nghiệp trong nước về bối cảnh hiện nay, đại diện hai cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là hội Doanh nghiệp Mỹ và châu Âu có cùng cảm nhận “môi trường kinh doanh đang khó hơn những năm trước”.

Cảm thấy không được chào đón
Theo ông Christopher Twomey, chủ tịch hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) thì các công ty hội viên nhận thấy kinh doanh hiện nay khó khăn hơn rất nhiều so với những năm trước. Ông Preben Hjortlund, chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) cho biết, kết quả của khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý lần thứ 9, được thực hiện vào tháng 10 vừa qua cho thấy niềm tin và nhận định về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục giảm sút. Chỉ số đánh giá đã giảm xuống mức kỷ lục, chỉ còn 45 điểm.

Các thành viên tham gia vào cuộc khảo sát cho thấy họ đang quan ngại hơn về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng trong tương lai cũng như về tác động của việc tăng thuế, các mức phạt và sự giám sát của các cơ quan nhà nước.

Phó chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Đặng Đức Dũng nêu vấn đề : Trước bối cảnh sự suy thoái kinh tế đang được thừa nhận, nhiều chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ và rất nhiều những “gói giải cứu” được tuyên bố nhưng không đủ liều cho doanh nghiệp phục hồi. Câu hỏi đặt ra là: Thực sự hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì nhất, và cần điều gì nhất hiện nay? Theo ông Dũng, câu trả lời chung: cần lấy lại niềm tin - điều đó chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách. Khi đã minh bạch và nhất quán thì doanh nghiệp sẽ có định hướng rõ ràng và bền vững.

Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn cần sự bền vững hơn bao giờ hết bởi sức chịu đựng của các doanh nghiệp này là rất nhỏ, nếu có sự thay đổi chính sách nhiều và độ trễ của chính sách cũng lớn thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không thể tồn tại.

Đáng chú ý, ông Twomey nhấn mạnh, hồi tháng 2.2011, Thủ tướng Việt Nam đã khẳng định Chính phủ sẽ tập trung vào bình ổn hơn là chạy theo mục tiêu phát triển. “AmCham ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực này của Chính phủ. Đến hôm nay, quan điểm của chúng tôi là không thay đổi. Chúng tôi không đến để chỉ ra và đổ lỗi cho những nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi những cải cách cấp thiết và chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có hành động mang tính quyết định để tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn”, ông nói. Ông Twomey nói thêm: “Nợ xấu cần phải được xử lý nhanh chóng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.

Đại diện của các doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh đến sự “lưỡng lự” của Chính phủ với việc định giá theo thị trường tự do. Trong một số ngành (chẳng hạn như với ngành năng lượng), việc điều chỉnh giá cũng phải xin sự phê duyệt. Cách thức kiểm soát giá này rõ ràng khiến các đầu tư quan ngại khi họ kỳ vọng được tự thiết lập giá trong các khuôn khổ thông thường được xác lập bởi chi phí và cạnh tranh. Điều này tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư.

Lệ thuộc cao vào các doanh nghiệp Nhà nước

Chủ tịch phòng Thương mại Hàn Quốc (Korcham) tại Việt Nam, ông Kim Jung In nhấn mạnh, Việt Nam có sự lệ thuộc cao vào các DNNN. Số này chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản phẩm của nền kinh tế. Năm 2011, DNNN được đánh giá là đã có vai trò lớn trong việc giảm lạm phát xuống 8%. Tỉ lệ tăng dư nợ năm ngoái là 10,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 35% trong các năm 2006-2010. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp diễn ở Châu Âu vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề. Sự suy yếu của kinh tế Châu Âu có ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam, từ đó càng làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu.

Ông Kim Jung In dẫn số liệu của ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng mức nợ xấu của nền kinh tế tính bằng tiền là 280 nghìn tỉ đồng, hay 11% tổng giá trị GDP. Nhưng một vấn đề nghiêm trọng khác là sự gia tăng nợ quá hạn của các DNNN. DNNN đang nợ khoảng 145 nghìn tỉ đồng, trong đó khoảng 20~30% là nợ không có khả năng hoàn trả.

Ông Kim Jung In nhận định, số lượng DNNN của Việt Nam hiện đang giảm nhưng quy mô lại tăng. Lý do là bởi vì vốn và nguồn lực vẫn đang tập trung vào các DNNN, cho dù Chính phủ luôn khuyến khích cổ phần hóa. Tuy nhiên hiệu quả của khối doanh nghiệp này vẫn thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

Việc cải cách DNNN và cổ phần hóa cũng được xem là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển hiệu quả thị trường vốn. Tuy nhiên, chưa có nhiều kết quả thực sự kể từ bước đi khả quan đầu năm 2007. Để đẩy nhanh tiến độ, cần phải có “một lộ trình mới với những tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu chi tiết”.

Cổ phần hóa là xương sống của chính sách kinh tế hợp lý và để minh chứng chỉ cần nhìn vào những kết quả đã đạt được ở những thị trường mới nổi khác. Hai ngành chính cần được cổ phần hóa đầu tiên là ngành Viễn thông và Ngân hàng (2 ngân hàng đã được cổ phần hóa nhưng chưa thành công do định giá không hợp lý). Yếu tố chính để chào bán thành công là định giá, và cách duy nhất để làm điều này là phải thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng định giá, phát hành theo các chuẩn mực toàn cầu của ngành, cũng như xây dựng bản cáo bạch đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư toàn cầu.

Cổ phần hóa phải là nhân tố cốt yếu của Nhóm công tác thị trường vốn, trong đó chính phủ đã xác định 2-3 doanh nghiệp để thí điểm cổ phần hóa trong vòng 9 - 12 tháng tới. Quá trình này không thể tiếp tục chỉ dừng lại ở mức thảo luận mà đã đến lúc phải có hành động cụ thể.