Cà Mau hiện thực hóa chuyển đổi số thành lợi thế cạnh tranh

Theo Hữu Tùng/nhandan.vn

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh (chiếm 20% GRDP của tỉnh) và trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước.

Giao dịch trực tiếp giảm dần tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau.
Giao dịch trực tiếp giảm dần tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau.

Sáng 1/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, Tỉnh ủy vừa ban hành nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Luân, mặc dù đã gặt hái được những kết quả tích cực bước đầu nhưng trên bình diện chung, kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn thấp (xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xếp thứ 10/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long); hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thực hiện thủ công…

Vì lẽ đó, nghị quyết chuyển đổi số của Cà Mau kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay, đồng thời nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Trong chuyển đổi số, Cà Mau xác định rõ mấu chốt đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội; có cách tiếp cận mới, sáng tạo và mạnh dạn thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn đề ra; tránh biểu hiện bàng quan, thụ động và cũng không chủ quan, nóng vội, không sát thực tiễn…

Thông qua chuyển đổi số, Cà Mau kỳ vọng sẽ từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của cơ quan Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hoá các lĩnh vực kinh tế-xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, trong đó kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh, qua đó giúp Cà Mau vào “tốp” các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy Cà Mau đề ra mười nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ trên các mặt, trong đó trọng tâm là: xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, bao gồm cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số; phát triển nền móng về hạ tầng, nền tảng số và dữ liệu số…