Hải quan Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số
Mới đây, Cục Hải quan Cà Mau ban hành Quyết định số 104/QĐ-HQCM về Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hải quan Cà Mau, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ). Thủ tục hải quan được thực hiện mọi lúc – mọi nơi – mọi phương tiện.
Đến năm 2025, 100% thủ tục hải quan thực hiện điện tử
Cùng với Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan thì mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Cục Hải quan Cà Mau sẽ có: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (5% thuộc hồ sơ đặc biệt như hồ sơ mật, hồ sơ sử dụng khi hệ thống gặp sự cố…)
Cùng với đó, Hải quan Cà Mai phấn đấu, 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số.
Đồng thời, 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến 24/7; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan.
Đến năm 2025, Hải quan Cà Mau phấn đấu 50% hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng container có rủi ro cao được giám sát bằng seal định vị điện tử, hình ảnh kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông quan Cơ chế một cửa quốc gia.
Hoàn thành mô hình Hải quan thông minh
Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 được Hải quan Cà Mau đưa ra là hoàn thành triển khai mô hình Hải quan thông minh; 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, được số hóa.
Cùng với đó, 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan; 100% các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, kết nối chia sẻ dữ liệu quản trị sản xuất với cơ quan Hải quan.
Bên cạnh đó, 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được số hóa.
Mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt 95% trở lên đối với các chỉ tiêu chính thuộc các nội dung: Tiếp cận thủ tục hành chính hải quan, thực hiện thủ tục hành chính hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Hải quan Cà Mau cũng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai trong giai đoạn này. Theo đó, Hải quan Cà Mau sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan gồm số hóa dữ liệu và quy trình nghiệp vụ hải quan và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân doanh nghiệp.
Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và các bên liên quan; Chuyển đổi số trong triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; Chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành; Hoàn thiện nâng cao chất lượng hạ tầng số, phát triển nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin; Hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan.
Mặt khác, Hải quan Cà Mau sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; Hoàn thiện bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp và đảm bảo nguồn lực, kinh phí triển khai chuyển đổi số.