Cá tra xuất đi Mỹ được giá nhất trong nhiều năm

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongkinhdoanh.vn

Kim ngạch xuất khẩu cá tra quý I/2022 đạt 653 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021.

Top 4 thị trường xuất khẩu cá tra gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU và CPTPP. - Ảnh Nguyễn Huyền
Top 4 thị trường xuất khẩu cá tra gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU và CPTPP. - Ảnh Nguyễn Huyền

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra quý I/2022 đạt 653 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021. Top 4 thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU và CPTPP.

Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 183 triệu USD, tăng 163% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Mỹ đạt 160 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ, khối thị trường CPTPP đạt 80 triệu USD, tăng 52%, khối thị trường EU đạt 46 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ gồm: Vĩnh Hoàn Corp (VHC), Biển Đông SEAFOOD, Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO), Vạn Đức Tiền Giang (VDTG) và IDI CORP.

Nguồn VASEP
Nguồn VASEP

Thị trường cá tra thế giới đang tốt lên, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu

Theo Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350 nghìn tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực nuôi cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý 2/2022.

Bà Tạ Hà – Chuyên viên phân tích thị trường cá tra VASEP cho biết, hiện giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg. Như vậy, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.

Giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.

Các lô hàng cá tra chế biến và xuất khẩu đi Mỹ trong thời gian này chủ yếu là phile cá tra đông lạnh cỡ lớn 7-9 oz; 8 - 10 oz và 10 - 12 oz. Trong khi cá thương phẩm đông lạnh cỡ 3 - 5 oz và 5 - 7 oz đang thiếu hụt.

Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình đi Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4 - 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7USD/kg).

Giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU cũng khả quan, dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.

“Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do vậy, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao nhưng bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới”, bà Tạ Hà nói.

Nguồn VASEP
Nguồn VASEP

Tiếp tục hưởng mức thuế suất 0% tại thị trường Mỹ

Cuối tháng 3/2022, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra thông báo về kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 17 (POR17) với cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 01/8/2019-31/7/2020. Và VHC tiếp tục được hưởng mức thuế suất 0%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC cho biết, nếu như năm 2020 ngành cá tra “mắc cạn” khi các thị trường xuất khẩu chính bị ảnh hưởng thì năm 2021 gặp khó khăn từ nội tại trước ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát mạnh trong nước, việc duy trì hoạt động sản xuất gặp khó trước các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh đó, VHC đã ứng phó linh hoạt theo từng giai đoạn, duy trì sản xuất được 50% công suất sau đó nâng dần lên 90%, giúp doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng và đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Năm 2021, VHC ghi nhận doanh thu 9.054 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra và tăng 26,3% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 1.099 tỷ đồng, vượt và tăng 53%. Kết quả này là cơ sở để VHC đặt mục tiêu giữ vững “thành trì” sản xuất trong năm 2022, nhanh chóng tăng công suất để đáp ứng đầy đủ các đơn hàng.

Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiếp tục phát huy và tăng sản lượng khâu nuôi cá tra trong năm 2022, đảm bảo khả năng tự cung 70% trong tình hình thiếu hụt nguyên liệu ở thị trường.

“Hiện nay, giá phi lê cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ tăng mạnh nhất hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019. Hơn 20 năm tại thị trường Mỹ có vụ kiện CBPG cá tra, nhưng VHC đã có được lợi thế về thuế suất nên không bị ảnh hưởng đến giá bán cuối cùng của Công ty tại thị trường Mỹ”, Chủ tịch HĐQT VHC chia sẻ.

Hai lợi chính tại thị trường Trung Quốc và thị trường EU

Bà Lệ Khanh cho biết thêm, VHC có hai lợi chính tại thị trường Trung Quốc và thị trường EU:

Lợi thế thứ nhất là thuế nhập khẩu, nếu trước đây là 5,5% (so với các cá trắng khác là không có thuế) thì hiện đang giảm dần về 0%.

Lợi thế thứ hai, do chiến tranh Nga – Ukraine thì nguồn cá thịt trắng bị hạn chế, và là cơ hội để VHC tăng xuất khẩu sang khối thị trường EU.

Đây không chỉ là cơ hội ngắn hạn, mà trong dài hạn VHC đã nhìn ra được một số sản phẩm có quy cách đặc biệt và công ty đang cố gắng đưa cá tra vào làm nguồn đầu vào thay thế. Hiện, một số khách hàng dùng thử và bày tỏ vừa ý, nên Công ty chủ trương cố gắng khai thác được cơ hội dài hạn từ sản phẩm có quy cách đặc biệt này.

Riêng thị trường Trung Quốc, do Chính phủ nước này theo đuổi chính sách “zero COVID” và nước này đang bùng dịch nên có sự kiểm soát chặt chẽ và không còn tăng trưởng nóng như trước cho dù, trong quý I/2022 xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đến 163%.

“Có một xu thế dài hạn là Trung Quốc mua sản phẩm cá thô về tự chế biến với đa dạng sản phẩm, hiện hàng tồn kho của doanh nghiệp Trung Quốc còn nhiều. Kỳ vọng, thời gian tới nhu cầu nhập khẩu cá thô từ Trung Quốc vẫn rất lớn, đặc biệt khi nước này hoạt động trở lại sau dịch và hết hàng tồn sẽ tăng mua trở lại”, bà Lệ Khanh nhận định.