Các bộ, ngành cần nhìn nhận lại công tác lập kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài
Tính đến hết tháng 9, tổng số vốn nước ngoài của Chính phủ được các bộ, ngành đề nghị giảm kế hoạch vốn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định lên đến 4.717 tỷ đồng.
Đó là thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đưa ra tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020.
Tại Hội nghị, ông Đinh Minh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, là một trong những bộ có tiến độ giải ngân tăng cao nhất trong tháng 9, tính đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân đạt 39% so với kế hoạch vốn được giao, tăng 18% so với tháng 8 trước đó.
Lý giải về việc đạt tỷ lệ cao trong tháng 9, ông Đinh Minh Tùng khẳng định nhờ có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Bộ, trong đó, đã kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân và làm việc trực tiếp, giải quyết các vướng mắc tại các dự án để giải ngân đạt kế hoạch, đặc biệt là công tác giải ngân trong các tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các ban dự án phối hợp với địa phương thực hiện đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, các hạng mục phát sinh đồng thời triển khai công tác đấu thầu. Theo đó, Bộ đưa ra cam kết sẽ giải ngân 100% vốn ODA trong năm 2020.
Tại hội nghị, bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cũng đưa ra cam kết giải ngân 671 tỷ đồng, tương đương đạt 100 % kế hoạch vốn năm 2020 sau khi điều chỉnh giảm 428 tỷ đồng kế hoạch vốn của 4 dự án không có khả năng giải ngân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi quy định về điều kiện đàm phán, ký hiệp định tài trợ dự án ODA đối với các dự án có cấu phần xây lắp là chủ yếu, theo hướng báo cáo nghiên cứu khả thi khi đàm phán và ký hiệp định chưa cần có thiết kế cơ sở, dự toán được Bộ Xây dựng thẩm định.
“Sau khi đàm phán thành công, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thành các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, dự toán. Bộ Y tế cũng đề nghị sửa đổi quy định về tài sản đảm bảo tiền vay, các đơn vị sự nghiệp không phải có tài sản đảm bảo đối với khoản đơn vị vay lại, đối với các dự án ODA phải vay lại một phần. Trường hợp vẫn phải có tài sản đảm bảo thì xác định rõ ‘các tài sản hợp pháp khác của bên vay lại’ là những tài sản nào để thuận lợi cho việc thực hiện”, bà Phan Lê Thu Hằng kiến nghị.
Với tư cách là đại diện cho đơn vị tổng hợp các đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn thừa nhận, tuy theo số liệu được các bộ, ngành thống kê trong 9 tháng qua, tỷ lệ giải ngân ghi nhận có sự đột phá, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân ở đây là so với kế hoạch được điều chỉnh, cắt giảm chứ không phải so với kế hoạch được giao. Do đó, ngoài nguyên nhân chính do tác động của dịch Covid-19 đến tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài, bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần nhìn nhận lại công tác lập kế hoạch có sát với thực tế hay không.
Ông Cao Mạnh Cường đề nghị các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao hơn nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc nào thuộc thẩm quyền bộ, ngành mình xử lý, vướng mắc nào thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính xử lý, để rõ ràng trách nhiệm; đồng thời, cần rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch cho năm 2021 và các năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trương Hùng Long khẳng định, Bộ Tài chính cam kết tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của hiệp định vay, ký hợp đồng cho vay lại, rà soát đẩy nhanh tiến độ các công tác liên quan đến giải ngân cũng như trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân.
Riêng đối với số kế hoạch vốn của năm 2020, các bộ, ngành đã đề nghị cắt giảm hoặc điều chuyển cho các bộ, địa phương khác, Bộ Tài chính đề nghị cần xác định rõ cụ thể dự án nào cắt giảm và dự án hoàn toàn không giải ngân được trong năm, dự án chỉ giải ngân được một phần... để bổ sung kế hoạch vốn cho dự án đó ngay vào kế hoạch vốn đầu tư năm 2021.