Các dấu hiệu đảo chiều của thị trường chứng khoán nhà đầu tư cần biết
Sau giai đoạn duy trì du hướng tăng, kể từ đầu năm đến nay, các thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trải qua nhiều phiên giao dịch biến động rất mạnh, trong đó không hiếm những phiên thị trường đảo chiều nhanh từ giảm sâu sang phục hồi mạnh mẽ và ngược lại.
Vì vậy, việc nắm bắt những tín hiệu báo trước khả năng thị trường đảo chiều là cần thiết đối với nhà đầu tư.
Theo quan điểm phổ biến của những nhà đầu tư trên thế giới, nếu các chỉ số chứng khoán giảm 10% so với mức đỉnh đã đạt được cho thấy tín hiệu thị trường có thể đảo chiều xu hướng tăng và bắt đầu chuyển sang xu hướng giảm. Ví dụ như chỉ số Dow Jones đạt đỉnh cao nhất gần đây là 26.616 điểm vào ngày 26/1 vừa qua thì nếu như rớt 10%, tức giảm dưới 23.950 điểm thì đó là dấu hiệu cảnh báo đáng lưu ý.
Nếu chỉ số hoặc mã cổ phiếu giảm 20% so với mức đỉnh đã được xem là xu hướng tăng đã chấm dứt và chính thức rơi vào thị trường con gấu. Chẳng hạn gần đây cổ phiếu của Facebook sau khi đối mặt với những tai tiếng về lộ bí mật thông tin người dùng đã liên tiếp giảm mạnh và hiện đang tiến gần về mốc giảm 20% so với mức đỉnh đạt được trước đây.
Cụ thể giá cổ phiếu Facebook (FB) sau khi đạt đỉnh tại 190 USD/CP vào ngày 2/2/2018 thì hiện chỉ còn 157 USD/CP. Trong tình hình hiện tại, nếu không có thông tin tích cực nào nổi bật thì những phiên bật tăng của cổ phiếu này cũng chỉ thúc đẩy thêm việc bán ra của giới đầu tư, vì xét theo tín hiệu kỹ thuật thì đồ thị của FB đã rơi vào mẫu hình rất xấu.
Một số tín hiệu khác cũng cần lưu ý là khi thị trường tăng nhưng khối lượng yếu dần đi là cho thấy đà tăng có thể sớm điều chỉnh trở lại trước lực mua yếu và dòng tiền có thể đang rút dần ra. Thông thường trước sự đảo chiều, thị trường thường có các điểm dừng giao dịch và nhiều nhà đầu tư thường cố gắng bán ra tại những mốc giá đỉnh quan trọng được xem ngưỡng kháng cự cứng.
Theo trường phái phân tích kỹ thuật, một số công cụ có thể được sử dụng để xác định khả năng đảo chiều của thị trường. Phổ biến và sử dụng đơn giản nhất là đường xu hướng, theo đó khi đường xu hướng bị bẻ gãy đồng thời khối lượng giao dịch tại điểm bẻ gãy tăng đột biến thì khả năng đảo chiều là rất cao.
Một chỉ báo xu hướng cũng thường được sử dụng là các đường trung bình động ngày (MA), trong đó đường MA 200 thường được sử dụng như chỉ báo kỹ thuật mạnh mẽ. Thời gian qua, giới đầu tư thường nhìn vào diễn biến chỉ số S&P 500 của Mỹ liệu có rớt về dưới đường MA 200 hay không để tìm cách đối phó.
Một chỉ báo khác cũng được sử dụng, đây được xem là công cụ để tính toán hoặc nhận biết phạm vi giá sẽ điều chỉnh. Fibonacci là hệ thống tỷ lệ sinh ra từ dãy số Fibonacci, lấy theo tên của người phát minh là nhà toán học người Italia. Thống kê cho thấy sự điều chỉnh thường diễn ra ở các vùng 38,2%, 50% và 61,8% nên được gọi là tỷ lệ vàng, và nếu đường giá vượt qua các mức này thì có khả năng hình thành sự đảo chiều.
Các điểm xoay (Pivot Points) cũng là công cụ để xác định các mốc hỗ trợ và kháng cự, do những biến động giá mạnh nhất thường xảy ra tại các khu vực pivot points. Thông thường, nếu giá ở phía trên pivot, đó là khu vực giá lên, nếu nằm dưới pivot, đó là khu vực giá xuống. Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng các mức hỗ trợ R1, R2, R3, nếu đường giá phá vỡ các mức này thì chắc chắn sẽ hình thành dạng đảo chiều.
Về mặt lý thuyết cơ bản thì đơn giản như thế, nhưng thực tế thị trường luôn có những biến động khó lường. Vẫn có trường hợp thị trường rớt sâu về dưới các mức hỗ trợ quan trọng nhưng sau đó vẫn có thể bật lại khi đón nhận nhiều thông tin tích cực, do đó những tín hiệu cảnh báo đảo chiều sớm chỉ nên được xem là một trong những cơ sở tham khảo trong giao dịch, nhà đầu tư nên quan tâm và có những đánh giá sâu sắc hơn các thông tin cơ bản khác của thị trường hoặc doanh nghiệp, cũng như các yếu tố của nền kinh tế.