Chủ động thâm nhập thị trường EU

Theo daibieunhandan.vn

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường. Đó là ý kiến của bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, tiềm năng hợp tác về thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ vô cùng lớn.
Khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, tiềm năng hợp tác về thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ vô cùng lớn.

Cơ hội cho cả hai phía

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực?

Chủ động thâm nhập thị trường EU - Ảnh 1

Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, phái đoàn Liên minh châu Âu.

Bà Miriam Garcia Ferrer: Tôi có thể khẳng định rằng, năm 2018, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, tiềm năng hợp tác về thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ vô cùng lớn. Phần lớn các dòng thuế được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại, tự do giao thương giữa Việt Nam và EU.

Quá trình hội nhập thuận lợi của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới được đánh dấu bằng việc gia nhập và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, EU đã ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế của Việt Nam. Do đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với các bạn nhằm đạt tới sự thịnh vượng mang tính bền vững cho cả hai bên. Lý giải cho thành quả đó là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU - Việt Nam đã hoàn tất quá trình đàm phán sau 3 năm.

FTA giữa EU và Việt Nam là một thành tựu đáng khích lệ. Thỏa thuận này đạt được một sự cân bằng tốt cho cả hai phía. Chúng ta có thể nhận định một cách tự tin rằng hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau. Điều này có nghĩa là khi nói về vấn đề tiếp cận thị trường thì lĩnh vực nông nghiệp của cả hai bên đều đang đứng trước những cơ hội lớn. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ thấy được tiềm năng này ngay từ bây giờ. FTA này cũng sẽ dẫn tới sự gia tăng làn sóng đầu tư của EU vào Việt Nam, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình cải thiện năng suất và hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên như dệt may, da giày, công nghệ thông tin - viễn thông. Còn về nhóm mặt hàng nông sản và đồ uống, tiềm năng hợp tác song phương về lĩnh vực này như thế nào, thưa bà?

Một điều rất đáng mừng, là lượng người tiêu dùng châu Âu có hứng thú với các đặc sản của Việt Nam ngày một gia tăng. Sự tăng trưởng ấn tượng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường EU trong những năm gần đây, thể hiện qua con số gần 20 tỷ euro thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam trong năm 2015 mà chủ yếu là nhờ vào lĩnh vực nông sản - thực phẩm đã biểu hiện một cách chính xác nhất tiềm năng hết sức to lớn này.

Tiềm năng này sẽ được tận dụng một cách tối ưu thông qua việc thực thi FTA song phương cũng như quá trình dỡ bỏ thuế quan bắt đầu từ đầu năm 2018.

Cùng với đó, không chỉ người châu Âu mà người Việt Nam cũng quan tâm nhiều hơn tới nông sản - thực phẩm châu Âu. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đồng thời làm một bộ phận dân số có mức thu nhập khá gia tăng.

Dựa trên thu nhập của mình, một trong những lựa chọn tiêu dùng chính mà các hộ gia đình đưa ra đó là dành cho thực phẩm và đồ uống. Những người tiêu dùng muốn biết về loại thực phẩm mà họ đang sử dụng được làm ra như thế nào; ở đâu; thành phần và phương thức sản xuất ra thực phẩm đó… Các mặt hàng nông sản và thực phẩm EU đều có câu trả lời thỏa đáng và cụ thể cho tất cả những băn khoăn này.

Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng FTA này sẽ là một cơ hội đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi nhận thức được những thách thức rõ ràng mà các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt trong việc tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật minh bạch và không phân biệt đối xử của EU. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã và đang rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với tư cách là một đối tác tin cậy.

Cần thay đổi cách nhìn về thị trường EU

Nhiều doanh nghiệp lo ngại EU sẽ sử dụng nhiều hơn các chính sách phi thuế quan và hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ thị trường khi EVFTA có hiệu lực, quan điểm của bà ra sao về vấn đề này?

Tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam e ngại khi tiếp cận thị trường EU vì đây là một thị trường khó tính và đòi hỏi rất cao. Tuy nhiên, theo tôi đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ này. Nếu các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường EU thì hàng Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin tiếp cận các thị trường khác.

Thị trường và người tiêu dùng EU rất khắt khe đối với chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, sự đồng đều sản phẩm về bao bì, nhãn mác… Những tiêu chuẩn này trong ngắn hạn có thể gây khó khăn đối với nhiều hàng hóa của Việt Nam nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây sẽ là cơ hội để hàng Việt Nam khẳng định uy tín và tăng sức cạnh tranh.

Để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường. Bên cạnh việc tìm hiểu về những rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên quan tâm xem phía EU có những ưu đãi gì. Tùy từng ngành hàng cụ thể sẽ lại có những ưu đãi nhất định về mặt thuế quan.

Xin cảm ơn bà!