Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thực phẩm


An toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn trong xã hội khi ngày càng có nhiều người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn, kém chất lượng.

Thực phẩm bẩn luôn là mối lo trong cuộc sống hiện đại.
Thực phẩm bẩn luôn là mối lo trong cuộc sống hiện đại.

Vấn nạn lớn con người đang phải đối mặt hiện nay là thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh về chất lượng, độ an toàn trong chế biến và sản xuất.

Nhiều hạn chế trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Thực phẩm bẩn luôn là mối lo trong cuộc sống hiện đại. An toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn, nhức nhối trong xã hội khi càng ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn và kém chất lượng.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra thời gian qua tại các nhà hàng, công sở, trường học dường như vẫn chưa đủ để thức tỉnh lương tâm của những người kinh doanh thực phẩm.

TS. Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.

Theo đó, thực tế cho thấy nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.

Lý giải nguyên nhân, theo đại diện của Cục An toàn thực phẩm, hiện có một bộ phận cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường.

Bên cạnh đó, việc nở rộ kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn.

Về mặt chủ quan, hiện lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.

Hệ thống pháp luật tuy đã có, hệ thống tổ chức tuy đã được hình thành nhưng yếu về chuyên môn, thiếu về số lượng.

Theo đó, nguồn nhân lực còn hạn chế trong khi đó số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc diện cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động nên khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý rất thấp, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đầy đủ;

Hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đủ năng lực chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn; công tác tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo an toàn còn nhiều khó khăn, dễ gây ô nhiễm môi trường do không có địa điểm để tiêu huỷ, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu huỷ hàng hoá, kinh phí hoạt động;

Đặc biệt, kinh phí cho việc lấy mẫu, gửi kiểm nghiệm và tiêu huỷ thực phẩm giả, thuốc kém chất lượng còn thiếu nên ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm.

Chưa kể, từ sự thông thoáng của chinh sách hậu kiểm nên một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để vi phạm như đăng ký kinh doanh xong chuyển địa điểm. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 80% doanh nghiệp nói chung có hiện tượng đăng ký một nơi, kinh doanh một nơi.

Còn ý kiến của đại diện Bộ Nội vụ nói tại một hội nghị gần đây về an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm tổ chức thì nói rằng, việc phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn có một số bất hợp lý như một số ngành hàng có sự đan xen không rõ nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước;

"Việc phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đang có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm nhưng khi có sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm thì không rõ cơ quan chịu trách nhiệm, nhiều đầu mối dẫn đến việc không tập trung nguồn lực, không phản ứng kịp thời trước những diễn biến về an toàn thực phẩm", đại diện Bộ Nội vụ nói.

Minh bạch quản lý

Xuất phát từ thực tế nêu trên, yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước với lĩnh vực này để đảm bảo bữa ăn của người dân được an toàn là yêu cầu bức thiết.

Trong số đó, minh bạch hệ thống phân phối thực phẩm, quản lý theo chuỗi đang là mục tiêu mà các cấp, các ngành hướng tới.

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi.

Tuy chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính nhưng ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước. Hệ thống này góp phần bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thủ đô Hà Nội, theo thông tin từ cơ quan chức năng, TP. vừa ban hành kế hoạch số 254/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2026, TP. Hà Nội có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; phấn đấu từ 2027 trở đi, TP. Hà Nội có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt ATDB theo tiêu chuẩn của WOAH.

Giai đoạn 2023-2030, 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ động vật tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; 100% chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật được thực hiện từ cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản, kinh doanh đến các chợ buôn bán sản phẩm động vật.

Đến năm 2025, xây dựng và vận hành thành công Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đến năm 2030, duy trì vận hành, phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội và sẵn sàng liên thông với kho dữ liệu quốc gia.

Đồng thời, khai thác có hiệu quả các phần mềm, kho dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các tỉnh, thành trong công tác quản lý.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Hà Nội đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023-2030;

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023-2030;

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023-2030;

Với công tác quản lý nhà nức, đại diện Bộ Nội vụ kiến nghị, trong quá trình thực hiện Luật An toàn thực phẩm, 3 địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm là TP. HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh.

Còn đại diện Bộ Công Thương kiến nghị cần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản phẩm thực phẩm hài hoà quy định quốc tế, hiệu quả và khả thi nhằm phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm để phù hợp với các hiệp định, thoả thuận, điều ước quốc tế

Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ trung ương tới địa phương. Đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thúc quản lý điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Đại diện Bộ này cũng đề xuất ưu tiên ngân sách đầu tư nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cảng cá, khu giết mổ, sơ chế, chợ đầu mối/đấu giá, chợ dân sinh tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm hoặc đô thị tiêu thụ khối lượng lớn nông lâm thuỷ sản.

Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế;

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói rằng sẽ cùng với các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.

Theo đó, ở mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành (TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh).

Theo Báo Công Thương