Các khoản nợ của Chính phủ đều được đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn


Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tháng 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã thực hiện trả nợ của Chính phủ khoảng 171.474 tỷ đồng, bằng 46,8% kế hoạch đề ra. Các khoản nợ của Chính phủ đều được đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2020, việc huy động vốn vay của Chính phủ được thực hiện căn cứ Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2020.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 65/2020/TTr-BTC của Bộ Tài chính, dự kiến kế hoạch huy động vốn vay của Chính phủ năm 2020 khoảng 501.461 tỷ đồng, trong đó vay trong nước là 394.040 tỷ đồng và vay nước ngoài là 107.421 tỷ đồng (bao gồm cho vay lại).

Tính đến ngày 10/6/2020, vay trong nước của Chính phủ toàn bộ từ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt tổng khối lượng phát hành là 76.783 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch cả năm. Ước tổng khối lượng TPCP phát hành tính đến hết tháng 6/2020 là khoảng 90.000 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch cả năm.

Trong tháng 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã thực hiện trả nợ của Chính phủ khoảng 171.474 tỷ đồng (bằng 46,8% kế hoạch), trong đó trả nợ trong nước là 129.938 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.536 tỷ đồng. Các khoản nợ của Chính phủ đều được đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Trong khi đó, đối với vay nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2020 (tính đến 10/6/2020), Bộ Tài chính thực hiện ký kết 5 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá 533,2 triệu USD (gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019). Lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài 6 tháng đầu năm là 768 triệu USD, tương đương khoảng 17.821 tỷ đồng, trong đó cấp phát khoảng 356 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 412 triệu USD, đạt khoảng 16,6% kế hoạch cả năm.

Về phương án vay để tái cơ cấu danh mục TPCP, Bộ Tài chính cho biết hiện đang phối hợp với Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam tìm hiểu ý kiến các nhà tạo lập thị trường để có căn cứ thực hiện hoán đổi TPCP năm 2020 nhằm giãn đỉnh nợ năm 2021 và giảm nghĩa vụ trả nợ lãi cho NSNN, đảm bảo nguyên tắc ngang giá trị thị trường các trái phiếu tại thời điểm hoán đổi, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư và NSNN.

Dự kiến, khối lượng hoán đổi TPCP trong năm 2020 khoảng 10-20.000 tỷ đồng, để hoán đổi trái phiếu đáo hạn năm 2021 có lãi suất từ 6% trở lên và trái phiếu đáo hạn sau năm 2021 có lãi suất từ 8% trở lên (dự kiến TPCP bị hoán đổi là 36 mã TPCP, chiếm khoảng 12% dư nợ danh mục TPCP). Dự kiến, thời điểm thực hiện là từ quý III/2020, theo phương thức đấu thầu thủ công qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ cũng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó phần nào ảnh hưởng thu NSNN và nguồn lực để chi trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã thực hiện trả nợ của Chính phủ khoảng 171.474 tỷ đồng (bằng 46,8% kế hoạch), trong đó trả nợ trong nước là 129.938 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.536 tỷ đồng. Các khoản nợ của Chính phủ đều được đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Về dư nợ Chính phủ, ước dư nợ Chính phủ đến ngày 10/6/2020 khoảng 2.882,2 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ trong nước của Chính phủ khoảng 1.793,9 nghìn tỷ đồng, nợ nước ngoài khoảng 1.088,2 nghìn tỷ đồng.

Theo Điều 54 Luật Quản lý nợ công 2017, việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Việc chi trả các khoản nợ của NSNN được thực hiện như sau: Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán NSNN hằng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư NSNN và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn; Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của NSNN hằng năm được Quốc hội quyết định. Đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Theo Luật Quản lý nợ công 2017, nợ Chính phủ bao gồm: Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ; Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài; Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.