Các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn dịp cuối năm 2019

Theo Hà Linh/hanoimoi.com.vn

Để đẩy mạnh huy động vốn phục vụ cho các nhu cầu cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các ngân hàng thương mại đều tăng lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn. Động thái này giúp người dân gửi lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng được hưởng mức lãi suất cao còn các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn vay.

Việc các ngân hàng tăng lãi suất với khoản vay trung và dài hạn được người dân và doanh nghiệp đón nhận.
Việc các ngân hàng tăng lãi suất với khoản vay trung và dài hạn được người dân và doanh nghiệp đón nhận.

Tăng lãi suất với kỳ hạn trên 6 tháng

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều triển khai các chương trình huy động VND ưu đãi, với lãi suất khá hấp dẫn nhằm giữ chân khách cũ và "hút" khách mới. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động được điều chỉnh tăng chủ yếu đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, bởi đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn phải tuân thủ theo trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất cao nhất là 8,4%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. 

Tương tự, các ngân hàng khác cũng đang "chạy đua" trong huy động vốn bằng việc đẩy lãi suất huy động lên cao, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 8,3%/năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,2%/năm. Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất là 8,9%/năm. 

Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động với kỳ hạn dài đã nhận được hưởng ứng của khá nhiều khách hàng cá nhân. Bà Đỗ Thùy Dung (R3 Royal City, 72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cho biết: “Tôi vừa chuyển một số khoản gửi tiết kiệm ngắn hạn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương - Techcombank sang gửi kỳ hạn dài 24 tháng. Vì đây là khoản tiền nhàn rỗi nên chuyển sang gửi kỳ hạn dài được hưởng lãi suất cao hơn rất nhiều so với kỳ hạn ngắn”.

Điều đặc biệt là, mặc dù lãi suất huy động đã tăng đối với nhiều kỳ hạn, song lãi suất cho vay vẫn ổn định hoặc tăng không đáng kể. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần giao dịch giữa tháng 12-2019, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến là 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Vì vậy, nhiều khách hàng cá nhân đã không ngần ngại vay vốn để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng như sửa nhà, mua hàng trả góp... 

Ông Nguyễn Thành Công (tòa nhà C, Khu chung cư Việt Đức Complex, Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân) cho biết: "Tôi mới vay tiền ngân hàng để mua ô tô, lãi suất đang được ưu đãi 0% cho 6 tháng đầu, những tháng sau đó áp dụng lãi suất theo thị trường. Thủ tục làm tại ngân hàng khá nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần tôi đã được ngân hàng đáp ứng". 

Đối với doanh nghiệp, nhu cầu vốn được đáp ứng đầy đủ với thủ tục cũng khá nhanh gọn, lãi suất được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao phục vụ dịp Tết. Ông Mai Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Nội thất Quỳnh Chi (quận Hoàng Mai) cho biết, công ty vừa làm thủ tục vay vốn ngân hàng để thực hiện các đơn hàng sản xuất nội thất cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đây được coi là thời kỳ cao điểm vì nhiều doanh nghiệp và cá nhân đều muốn gấp rút nhận được hàng. Thông thường, với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nội thất, đơn đặt hàng chỉ được trả tiền sau khi đã hoàn thành, nên công ty thiếu một lượng vốn khá lớn. Mức lãi suất mà ngân hàng đang áp dụng vẫn tương đối “dễ thở” vì công ty chỉ vay trong ngắn hạn, nên lãi suất cho vay mà công ty đang được nhận dưới 10%/năm. 

Không có chuyện căng thẳng thanh khoản

Việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn với lãi suất cao, song lãi suất cho vay lại giữ nguyên hoặc tăng nhẹ khiến không ít người lo ngại về nguy cơ căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. 

Các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hấp dẫn như tăng lãi suất đối với các kỳ gửi dài hạn, quay thưởng...
Các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hấp dẫn như tăng lãi suất đối với các kỳ gửi dài hạn, quay thưởng...

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, giải thích về điều tưởng chừng như vô lý này: "Mặc dù lãi suất huy động đã được đẩy lên, nhưng lãi suất cao chỉ được áp dụng với các kỳ hạn dài, không phải kỳ hạn ngắn, nên khó có thể xảy ra căng thẳng về thanh khoản. Việc đẩy mạnh huy động vốn dài hạn là giải pháp an toàn cho các ngân hàng để đáp ứng quy định theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15-11-2019 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn: Từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2020 là 40%; từ ngày 1-10-2020 đến 30-9-2021 là 37%..., nhằm tăng cường an toàn hệ thống và cụ thể hơn là an toàn thanh khoản. Bên cạnh đó, nguồn tiền kiều hối được chuyển về khá dồi dào cũng giúp ngân hàng bổ sung lượng lớn vốn. Được biết, lượng kiều hối về Việt Nam đã đạt 16,7 tỷ USD và Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới năm 2019”. 

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông tin thêm, các ngân hàng thời gian qua chủ động khai thác các nguồn vốn hợp lý, quản trị chi phí hoạt động... nên về cơ bản vẫn có thể cho vay với lãi suất ổn định. VietinBank cũng sẽ tập trung duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh.

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây ở Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong bối cảnh thị trường quốc tế đã có sức ép tăng lãi suất, Việt Nam vẫn kiểm soát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và qua đó giảm được lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vào việc tiết giảm các chi phí trong hoạt động của mình cũng như đẩy mạnh xử lý nợ xấu, giảm bớt các chi phí tài chính, ổn định mặt bằng lãi suất huy động, từ đó giảm được lãi suất cho vay. Đặc biệt, thời điểm cuối năm - mùa kinh doanh của các doanh nghiệp, lãi suất cho vay có bước giảm rõ rệt.

“Hiện, trần lãi suất cho vay ưu tiên trong 5 lĩnh vực chỉ còn 6%/năm. Đây là điểm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.