Huy động vốn qua phát hành trái phiếu: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu là một giải pháp tích cực, tuy nhiên, với hơn 96% doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, công bố thông tin còn hạn chế, quản trị doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, thì việc đáp ứng các yêu cầu để tự phát hành trái phiếu là không dễ!
Tự phát hành trái phiếu là không dễ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Huy động vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua được thực hiện theo Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN ngày 14/10/2011 của Chính phủ và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN.
Về cơ bản, cơ chế chính sách đã và đang dần được hoàn thiện cho phù hợp, tuy nhiên, khảo sát thực tiễn cho thấy, đối tượng phát hành TPDN hiện nay chủ yếu là các tập đoàn tư nhân lớn và chủ yếu phát hành riêng lẻ cho đối tác, không phải phát hành ra công chúng, trong khi các DNNVV, DN siêu nhỏ rất khó thực hiện huy động vốn qua phát hành trái phiếu.
Trong cơ cấu DN phát hành trái phiếu, các ngân hàng, công ty bất động sản hiện là những trái chủ chiếm tỷ trọng lớn nhất, do có tiềm lực về vốn, khả năng tiếp cận thông tin nhanh cũng như năng lực phân tích đầu tư chuyên nghiệp. Lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cần khuyến khích lại có tỷ trọng phát hành thấp, chỉ khoảng 13%/lĩnh vực.
Thực tế này dẫn đến tổ chức phát hành TPDN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm, nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân (chiếm 6,1% trên thị trường sơ cấp TPDN).
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, việc hình thành kênh trái phiếu cho DNNVV là mục tiêu xa vời, bởi vì các DN này muốn phát hành trái phiếu phải đạt mực độ tín nhiệm nhất định cũng như trình độ phát triển tốt. Trong khi, DNNVV Việt Nam lại khó đáp ứng yêu cầu này. Một trong những điều kiện DN định hướng nhiều nhất là cơ chế phát hành.
Một điểm đáng lưu ý nữa là phần lớn nhà đầu tư cá nhân tham gia mua TPDN chỉ đơn thuần dựa trên mức lãi suất mà DN cam kết chi trả. Trong khi đó, để có quyết định đầu tư, các tổ chức lớn đều phải dựa vào bộ phận phân tích chuyên nghiệp của mình để đánh giá thông tin về tình hình tài chính DN, dòng tiền, nguồn trả nợ…
Hơn nữa, do thời gian phát hành riêng lẻ thông thoáng hơn so với phát hành ra công chúng, dẫn đến phát hành TPDN chiếm tới 98% là các đợt phát hành là riêng lẻ. Việc phát hành riêng lẻ này khiến nhà đầu tư khó tiếp cận thông tin…
Đề xuất, khuyến nghị
Để khác phục các “điểm nghẽn”, hỗ trợ DNNVV sớm tiếp cận phương thức huy động vốn trung và dài hạn thông qua phát hành trái phiếu, thời gian tới cần có giải pháp khắc phục tình trạng lách quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ bán trái phiếu ra công chúng; Mở rộng phạm vi nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm cả tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp, đảm bảo các thông lệ quốc tế hiện hành.
Cùng với đó, tăng cường gắn kết điều hành trái phiếu chính phủ về kỳ hạn lãi suất huy động với điều hành phát hành TPDN và chính sách tiền tệ, để hạn chế tình trạng chênh lệch quá lớn về lãi suất trong phát hành TPDN.
Đồng thời, các cơ quan điều hành cần hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm về TPDN. Theo đó, có lộ trình về yêu cầu các DN phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, một mặt, giúp cho thị trường trái phiếu được minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; mặt khác, giúp tăng tiềm lực tài chính trung và dài hạn cho DN phát triển.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh chế tài về minh bạch thông tin khi phát hành TPDN, niêm yết trái phiếu, giúp cho nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) có thông tin minh bạch để đưa ra các quyết định đầu tư, giúp DN phát hành trái phiếu huy động hiệu quả nguồn vốn, phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh…