London sau Bexit:

Các ngân hàng lớn nhất thế giới đã vẽ ra lộ trình di tản

Theo enternews.vn/Independent

Bất chấp những thông điệp công khai về sự kiên nhẫn, nhiều ngân hàng đầu tư đang trong một cuộc đua tìm kiếm những văn phòng mới tốt nhất ở Châu Âu và cả nhà ở cho hàng nghìn nhân viên mà cuối cùng họ cũng đã dự định đưa ra khỏi Vương quốc Anh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo những nguồn tin có liên quan, có ít nhất bốn ngân hàng đầu tư lớn nhất có trụ sở Châu Âu được đặt tại London sẽ bắt đầu quá trình đưa nhân sự ra khỏi nước Anh ngay trong những tuần đầu tiên Chính phủ Anh kích hoạt Brexit, nhanh hơn so với thời gian biểu mà họ đã ám chỉ ở trong những thông điệp công khai trước đó.

Điều này cho thấy những người lãnh đạo ngân hàng cảm thấy thất vọng về việc thiếu một kế hoạch rõ ràng để bảo vệ vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Anh, vì vậy họ phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra – đó là mất quyền tự do cung cấp dịch vụ ngân hàng đi khắp Châu Âu, từ London.

Thực tế thì các ngân hàng muốn khởi động quá trình thoát khỏi London nhanh hơn để thiết lập những văn phòng mới, hoặc mở rộng văn phòng ở Châu Âu trước khi quá trình đàm phán Brexit kéo dài hai năm kết thúc.

Lý do là việc di chuyển trụ sở chính ở Châu Âu ra khỏi London cũng không hề nhanh gọn gì, vì họ sẽ phải đối mặt với một quá trình dài chờ đợi được phê chuẩn các thủ tục cần thiết ở những quốc gia mà họ dự định đặt trụ sở mới, trước khi nhân viên của họ có thể thu xếp hành lý và ra đi.

“Chủ đề chính của năm nay là những viễn cảnh tiềm tàng hoàn toàn có thể xảy ra, những lựa chọn của bạn, và những kế hoạch khẩn cấp,” ông Andrew Gray, người phụ trách các vấn đề liên quan tới Brexit cho những dịch vụ tài chính ở Anh của PwC, công ty đang tư vấn các ngân hàng cách phản ứng tốt nhất với Brexit.

“Một vài kế hoạch sẽ cần thời gian để thực hiện, và các ngân hàng không thể đợi đến ngày 1/1/2019, và những rủi ro không cho họ được tiếp tục kinh doanh,” ông nói tiếp.

Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố rằng bà sẽ cố đấu tranh để London sẽ được giữ nguyên quyền hộ chiếu trong lĩnh vực tài chính, các luật sư và giới kinh doanh ngân hàng lại cho rằng bà sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến rất vất vả để cố giành được sự nhượng bộ từ những đối tác EU.

Rõ ràng nếu như London bị cô lập so với thị trường tài chính EU, thì đây sẽ là một vấn đề lớn với các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall vì phần lớn doanh thu của họ có được là nhờ các khách hàng Châu Âu. Và hiện tại, số nhân viên có quốc tịch EU chiếm tới 87% tổng nhân viên của các ngân hàng đầu tư Mỹ đang có văn phòng tại Anh.

Nên khi mà họ tin rằng chính phủ của bà Theresa May sẽ khó mà đạt được sự nhượng bộ của các nước EU để duy trì quyền hộ chiếu của London trên thị trường tài chính EU, họ sẽ phải chuẩn bị cho sự ra đi là điều dễ hiểu.

Trước cuộc trưng cầu dân ý, ông Jamie Dimon – Giám đốc điều hành của JPMorgan đã nói rằng ông dự kiến sẽ đưa khoảng 4.000 nhân viên từ Anh ra các nơi khác ở Châu Âu làm việc sau Brexit. Ngân hàng Morgan Stanley có thể đưa 1.000 nhân viên ra khỏi nước Anh, còn Goldman Sachs và Citigroup thì cũng ám chỉ rằng họ sẽ đưa bớt nhân viên ra khỏi Anh sau Brexit. Các ngân hàng Châu Âu như HSBC và Deutsche Bank cũng thông báo rằng họ costheer sẽ chuyển bớt nhân sự sang Pháp và Đức.