Các nội dung ưu tiên đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025
Ngày 05/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định rõ về các nội dung ưu tiên đầu tư cho giai đoạn tới.
Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm hướng đến các mục tiêu cụ thể bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao; Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người làm nghề rừng. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, bên cạnh các nhiệm vụ chủ yếu để phát triển lâm nghiệp bền vững, Chính phủ nêu rõ, các nội dung ưu tiên đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm:
Về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển:
Một là, đầu tư bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng.
Hai là, đầu tư khôi phục, phát triển hệ thống rừng phòng hộ, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển với suất đầu tư được xác định theo đúng định mức kinh tế - kỹ thuật và điều kiện cụ thể của nơi trồng.
Ba là, đầu tư trang thiết bị bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ rừng, bảo tồn, phát triển rừng tại các Ban Quản lý rừng, đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động thường xuyên, cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp cho các đơn vị, địa phương có vùng nguyên liệu tập trung, nơi có điều kiện kinh tế xã hội, khó khăn.
Bốn là, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các dự án: điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng toàn quốc; xây dựng, hoàn thiện, vận hành hệ thống giám sát rừng tự động phát hiện cháy rừng; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra, giám sát tài nguyên rừng.
Theo Nghị quyết số 84/NQ-CP, tổng mức vốn thực hiện Chương trình dự kiến: 78.850 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước: 13.720 tỷ đồng, chiếm 17,4% (gồm: (i) Ngân sách trung ương: 7.500 tỷ đồng, chiếm 9,5%, gồm: Vốn đầu tư phát triển 3.100 tỷ đồng; vốn sự nghiệp kinh tế 4.400 tỷ đồng; (ii) Ngân sách địa phương: 6.220 tỷ đồng, chiếm 7,9%. Các nguồn vốn hợp pháp khác: 65.130 tỷ đồng, chiếm 82,6%.
Về phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn: Đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ, gồm: chọn, tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống theo hướng công nghiệp, hiện đại, tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, rừng chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Về phát triển lâm sản ngoài gỗ: Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cây lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Về phát triển công nghiệp chế biến lâm sản: Hỗ trợ đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị quyết số 84/NQ-CP, tổng mức vốn thực hiện Chương trình dự kiến: 78.850 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước: 13.720 tỷ đồng, chiếm 17,4% (gồm: (i) Ngân sách trung ương: 7.500 tỷ đồng, chiếm 9,5%, gồm: Vốn đầu tư phát triển 3.100 tỷ đồng; vốn sự nghiệp kinh tế 4.400 tỷ đồng; (ii) Ngân sách địa phương: 6.220 tỷ đồng, chiếm 7,9%. Các nguồn vốn hợp pháp khác: 65.130 tỷ đồng, chiếm 82,6%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao Chủ Chương trình. Bộ Tài chính được gioa chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối bố trí vốn sự nghiệp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật liên quan; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Báo cáo khả thi Chương trình theo quy định của pháp luật về Đầu tư công; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình.