Các siêu dự án dầu mỏ đối mặt với áp lực nặng nề từ giá dầu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/Financial Times

Gorgon, đại dự án khí hóa lỏng tự nhiên ngoài khơi bờ biển Australia, đã trở thanh một kỳ quan của thời kỳ hiện đại. Với giá trị 54 tỷ USD, Gorgon là một trong những dự án kỹ thuật đắt đỏ nhất từng được xây dựng.

Mức sụt giảm lợi nhuận của các hãng dầu lớn trong năm 2015.
Mức sụt giảm lợi nhuận của các hãng dầu lớn trong năm 2015.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thô đang ngấp nghé mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ, một mối lo ngại đang dấy lên về áp lực đối với các siêu dự án dầu mỏ như Gorgon và mô hình kinh doanh của những người khổng lồ trong ngành công nghiệp vàng đen này như Chevron, ExxonMobil và Royal Dutch Shell. Đây cũng chính là 3 đối tác chính trong dự án Gorgon.

Những siêu dự án như Gorgon là một minh chứng cho năng lực và sức mạnh của các tập đoàn dầu mỏ. Tuy nhiên, sau khi giá dầu rơi vào đà lao dốc, những khoản đầu tư đầy tham vọng như vậy vào ngành công nghiệp khí hóa lỏng, thăm dò nước sâu ngày càng trở nên khan hiếm. Và có thể, đây sẽ là “tượng đài” cuối cùng của một đại kỷ nguyên dầu mỏ đang đi đến hồi thoái trào.

Các chuyên gia của Morgan Stanley đã đưa ra tính toán rằng chỉ 9 trong số 230 dự án dầu mỏ lớn đang chờ phê duyệt trên toàn thế giới có khả năng được cấp “giấy thông hành” trong năm nay. Khoảng 400 tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp này đã bị bãi bỏ hoặc trì hoãn.

Khi các nhà lãnh đạo của các tập đoàn ngồi xuống để cùng bàn bạc về sự suy thoái của ngành công nghiệp dầu mỏ, các nhìn nhận chủ yếu là suy thoái chỉ tạm thời. Giá dầu dưới mức 30 USD/thùng là quá thấp và tình trạng dư cung sẽ điều chỉnh, giá phải phục hồi đến mức mà có thể đảm bảo được lợi nhuận.

Các giám đốc điều hành của BP và Shell đều cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ lấy lại cân bằng trong năm nay.

Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu như họ sai lầm trong nhận định. Philip Verleger, một nhà kinh tế học năng lượng cho rằng, “mặt trời đang dần tắt nắng” đối với các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ, một mặt do sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và các chính sách về khí hậu sẽ kiềm chế tăng trưởng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch, một mặt là do sự phát triển của ngành công nghiệp dầu và khí đá phiến.

Những công ty có chi phí sản xuất cao như dự án khai thác nước sâu ở Brazil sẽ phải thu hẹp đầu tư. Và khả năng những khoản đầu tư này có thể thu lại lợi nhuận trong vòng 20 năm tới là rất thấp.

Giá dầu sớm muộn gì cũng sẽ tăng. Rất nhiều chuyên gia lại cho rằng sự phục hồi của giá dầu sẽ thúc đẩy sự sống lại của ngành công nghiệp khoan dầu đá phiến ở Mỹ, và lại tạo áp lực lên giá dầu.

Nếu như vậy, các công ty sản xuất dầu đá phiến có thể sống sót nhưng những “con khủng long” khổng lồ ì ạch sẽ bị tiêu diệt.

Chắc chắn một điều là áp lực đối với những tập đoàn dầu mỏ khổng lồ đang là rất lớn tại thời điểm hiện tại.

Hầu hết các công ty dầu mỏ lớn đều đã cắt giảm lao động. Shell đã công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm, Chevron cũng cắt giảm 3.200 nhân viên trong năm ngoái và lên kế hoạch tiếp tục cắt giảm 4.000 nhân viên trong năm nay, trong khi BP sẽ cắt giảm 7.000 việc làm trong 2 năm 2015-16.

Các công ty này cũng đã kiềm chế đầu tư vào các giếng khoan, thăm dò trữ lượng dầu và phát triển mỏ dầu mới, với việc cắt giảm từ 6-25%.

Tuy vậy, tác động của những việc cắt giảm này là đa chiều. Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã hạ mức xếp hạng của Chevron và Shell trong tháng này và cho biết xếp hạng của Shell có thể tiếp tục bị hạ, và đang cân nhắc hạ mức xếp hạng AAA của Exxon.

Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng của các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ có thể là một cơ hội lớn. Nếu các công ty dầu lớn muốn vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, họ sẽ cần phải thay đổi. Mua lại các ngành công nghiệp đá phiến có thể là một cách giải quyết.