Viễn cảnh kinh tế u ám nếu nước Anh rời khỏi EU

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/CNNMoney/Bloomber

Các nhà băng lớn đã lên sẵn kịch bản đáng sợ mang tên “Brexit” (ghép từ 2 chữ “Britain- Anh Quốc” và “Exit – Ra khỏi”) trong trường hợp Anh quốc chính thức rời bỏ Liên minh châu Âu (EU).

“Brexit” nếu thành sự thật sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ với kinh tế Anh cũng như các ngân hàng lớn toàn cầu.
“Brexit” nếu thành sự thật sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ với kinh tế Anh cũng như các ngân hàng lớn toàn cầu.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dự đoán đồng Bảng Anh – một trong những đơn vị tiền tệ mạnh nhất thế giới – có thể sẽ sụp đổ, mất đến 20% giá trị. Nhà băng này cũng đã bỏ ra hàng trăm nghìn Bảng để vận động cho chiến dịch giữ nước Anh ở lại với EU.

Nomura – ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Nhật – cảnh báo nếu thật sự để xảy ra viễn cảnh đó, kinh tế Anh quốc thậm chí có thể rơi vào suy thoái, giảm đến 2%. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng ước tính “xứ sở sương mù” sẽ chịu thiệt hại tương đương khoảng 0,6% đến 2,8% GDP cả nước.

Sở dĩ các ngân hàng lớn nhất của Mỹ cũng như của các cường quốc khác hết sức lo lắng về “Brexit”, vì lâu nay họ vẫn sử dụng vương quốc Anh làm bàn đạp cho chuyện kinh doanh tại “lục địa già”.

Việc quốc gia này tách mình ra khỏi Liên minh châu Âu có thể sẽ phá bỏ mối liên kết quan trọng nói trên. Trong trường hợp tệ hại nhất, thậm chí có thể một số nhà băng lớn phải đóng cửa, rời bỏ chi nhánh tại London. Tuy nhiên, việc đứng ngoài một thị trường có GDP lớn thứ 5 thế giới là điều chắc chắn không một “đại gia” ngành ngân hàng nào can tâm.

Mới đây, Thủ tướng Anh quốc David Cameron đã hứa với người dân nước mình về một cuộc bỏ phiếu cho câu hỏi “Đi hay ở” trong năm sau. Ông Cameron sẽ vận động một chiến dịch để London vẫn ở lại với EU, nếu Công đoàn đang có 28 quốc gia và trên 500 triệu người dân này sẵn sàng cho một cuộc cải tổ mạnh mẽ.

Người đàn ông quyền lực nhất “xứ sở sương mù” cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên nước mình chống lại “Brexit” để tránh gây thiệt hại lớn cho kinh tế nước nhà.

Trong khi bản thân dân chúng Vương quốc Anh chia rẽ nội bộ sâu sắc về vấn đề EU, các "ông lớn" trong ngành tài chính thế giới đã lên tiếng thể hiện quan điểm của họ. Ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Âu Deutsche Bank tiết lộ họ đang cân nhắc khả năng rút các hoạt động kinh doanh trọng yếu khỏi Anh quốc, nếu đất nước này bỏ phiếu cho việc rời bỏ Liên minh EU.

Trong khi đó, tập đoàn tài chính ngân hàng lớn thứ 5 thế giới HSBC vừa công bố hôm 14/2 rằng vẫn giữ trụ sở chính của mình tại London, thay vì chuyển đến Hong Kong như cân nhắc lúc trước. Mặc dù chính phủ Anh đã “thở phào” sau quyết định này, nhưng khi người đại diện của HSBC trả lời phỏng vấn giới truyền thông, ông vẫn ngụ ý về khả năng dịch chuyển “các hoạt động và công việc” tới Paris, nếu Brexit thực sự xảy ra sau cuộc bỏ phiếu lịch sử vào năm sau. Số nhân sự của đại gia ngân hàng toàn cầu sẽ bị chuyển tới Pháp có thể lên đến hơn 1.000 người.

Nhà băng lớn nhất Hoa Kỳ JPMorgan Chase cảnh báo họ và nhiều tập đoàn tài chính khác cũng sẽ rời bỏ London, khiến cho rất nhiều vị trí trong ngành ngân hàng tại “xứ sở sương mù” sẽ bị dịch chuyển. Citibank còn ước tính con số 75.000 nhân sự nhà băng sẽ bị mất đi ở Anh quốc từ nay cho đến năm 2030 nếu quốc gia này quyết định không “đi chung” với EU nữa.

Việc giới ngân hàng đặc biệt quan tâm đến “Brexit” là điều dễ hiểu. Ngành tài chính vốn đặc biệt quan trọng với kinh tế Vương quốc Anh, chiếm tới 8% GDP quốc gia và hơn 3,4% tổng số việc làm tại đây. Ngoài ra, Thủ đô London được xem là “trái tim” cho các giao dịch ngoại hối, với hơn 40% số lượng giao dịch toàn cầu được thực hiện ở thành phố này.