Các thách thức nổi cộm trong nâng cao năng suất lao động quốc gia
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến năng suất lao động, điển hình có thể kể tới 4 thách thức nổi cộm.
Thứ nhất, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tuy nhiên so với nhu cầu sử dụng lao động thực tế, người lao động còn thiếu cả về mặt kỹ thuật và kỹ năng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), năm 2022, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trở lên ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%. Trong khi đó, với bối cảnh chuyển đổi số, nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức về thiếu hụt lao động có trình độ cao.
Thứ hai, năng suất lao động ngành công nghiệp tăng chậm, phát triển công nghiệp mới theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu, dẫn tới thiếu bền vững.
Người lao động trong ngành công nghiệp còn số lượng lớn chưa được đào tạo đúng chuyên môn, thiếu kỹ năng và điều kiện tiếp cận với công nghệ mới. Đây là yếu tố quan trọng khiến ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh thấp, chưa tạo ra ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt.
Thứ ba, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực đầu tư và hấp thụ công nghệ chưa cao.
Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các quốc gia khác trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.
Thứ tư, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là đối với các thị trường: lao động, công nghệ, bất động sản.
Do xuất phát điểm thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi, việc phát triển các hình thức thị trường có thể chế đặc thù trên gặp nhiều khó khăn, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa theo kịp sự phát triển của các loại thị trường này.
Để nâng cao năng suất doanh nghiệp nói riêng, nâng cao năng suất lao động quốc gia nói chung, các doanh nghiệp cần xác định mô hình sản xuất phù hợp, lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
Đồng thời, cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới.
Hoàn thiện quản trị sản xuất, tăng cường các biện pháp và phương pháp khuyến khích động viên người lao động. Định kỳ đánh giá kết quả của các biện pháp hoàn thiện tăng năng suất lao động và công bố rộng rãi, khen thưởng kịp thời...