Các tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp thực phẩm nên “nằm lòng”

Ánh Dương

Thời gian qua, vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đặt ra cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhiều thách thức. Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực thực phẩm là điều hết sức cần thiết với các doanh nghiệp trong ngành.

Tiêu chuẩn ISO 22000 có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm.
Tiêu chuẩn ISO 22000 có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm.

Chưa bao giờ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở nên nhức nhối như hiện nay. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến độ ngon của thực phẩm mà còn rất coi trọng đến yếu tố sạch, có an toàn với sức khỏe về lâu dài hay không, có nguy hại nào khi sử dụng thực phẩm này hay không?

Yêu cầu bức thiết đặt ra cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Có một số tiêu chuẩn ISO trong thực phẩm phổ biến mà các doanh nghiệp nên "nằm lòng", xem xét áp dụng cho phù hợp.

Thứ nhất là tiêu chuẩn ISO 22000: 2018: Đây là tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực an toàn thực phẩm, xây dựng dựa trên nền tảng nguyên lý của tiêu chuẩn HACCP và ISO 9001: 2015.

Là một trong các tiêu chuẩn ISO trong thực phẩm phổ biến nhất, đồng thời cũng được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay, doanh nghiệp nào có được chứng nhận ISO 22000 sẽ nhận được vô vàn lợi ích, bao gồm: Giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế; giúp tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ; giúp doanh nghiệp gia tăng được niềm tin với khách hàng và đối tác…

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng thực phẩm đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 nhằm mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực nhất.

Nhìn chung, tiêu chuẩn ISO 22000 có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm không phân biệt quy mô, bao gồm: Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất của các thành phần thực phẩm; doanh nghiệp chế biến các mặt hàng thực phẩm: rau củ quả, nước uống, gia vị...

Các nhà sản xuất thực phẩm; các nhà bán lẻ; các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống, thực phẩm chức năng; bảo quản thực phẩm; doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho ngành công nghiệp thực phẩm; các doanh nghiệp cung cấp bao bì cho ngành Công nghiệp thực phẩm và nguyên liệu tiếp xúc thực phẩm khác; các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc; hệ thống siêu thị, bán buôn, bán lẻ.

Thứ hai là tiêu chuẩn HACCP - phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn: Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn ISO trong thực phẩm phổ biến. Nó có chức năng trong việc xác định và ngăn chặn các mối nguy hại hiện hữu hoặc tiềm ẩn. Các mối nguy này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng, hoặc ảnh hưởng đến một khâu trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.

HACCP cho phép doanh nghiệp xác định được các mối nguy tiềm tàng như là các mối nguy từ sinh học, hóa học, vật lý… hoặc các mối nguy liên quan đến điều kiện bảo quản, nhiệt độ, chất liệu, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm.

Thứ ba là tiêu chuẩn FSSC 22000: Đây cũng là tiêu chuẩn phát triển về sản xuất thực phẩm an toàn đầu tiên trên quy mô quốc tế. Tiêu chuẩn này cung cấp một khuôn khổ đối với việc quản lý, cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn thực phẩm.

Thứ tư là tiêu chuẩn GMP: GMP là tiêu chuẩn thường thấy trong các lĩnh vực thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đây là tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn này trong các tiêu chuẩn ISO trong thực phẩm tập trung áp dụng chủ yếu cho các lĩnh vực như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, mỹ phẩm…

Hiện nay, theo quy định thì tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và cả thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP.

Thứ năm là tiêu chuẩn BRC: BRC cũng được biết đến là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này được ban hành và xây dựng bởi tổ chức Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc.

Doanh nghiệp sử dụng BRC nhằm mục đích kiểm soát chất lượng và đảm bảo được sự an toàn trong sản xuất. Điều này giúp tạo ra được các sản phẩm có chất lượng cao, đồng thời đảm bảo được yếu tố an toàn cho người dùng.