Các tiêu thức phân loại báo cáo kế toán trong doanh nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Báo cáo kế toán là phương tiện để truyền tải, cung cấp thông tin kế toán đến các đối tượng sử dụng thông tin.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong nền kinh tế thị trường, báo cáo kế toán là một yếu tố quan trọng trong quản lý hoạt động và được coi là hình ảnh đại diện, uy tín của doanh nghiệp qua việc cung cấp các thông tin chính xác đến các bên liên quan. Việc hiểu rõ về báo cáo kế toán nói chung và phân loại báo cáo kế toán của doanh nghiệp nói riêng sẽ giúp các nhà quản trị xây dựng hệ thống báo cáo kế toán phù hợp trong doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp cải thiện chất lượng thông tin cung cấp trên báo cáo kế toán trong doanh nghiệp. Bài viết trao đổi về phân loại báo cáo kế toán trong hoạt động doanh nghiệp, từ đó đưa ra một số kiến nghị.

Các quan điểm về báo cáo kế toán

Theo các chuyên gia kế toán, doanh nghiệp (DN) công bố thông tin kế toán dưới dạng các báo cáo kế toán. Trên thế giới, khái niệm về báo cáo kế toán trong DN được các nhà khoa học tiếp cận từ nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau. Theo đó, báo cáo kế toán là phương tiện truyền tải, cung cấp thông tin kế toán đến các đối tượng sử dụng thông tin. Báo cáo kế toán là được lập trên cơ sở tổng hợp số liệu, thông tin của kế toán.

Xuất phát từ quan điểm quản lý nền kinh tế, Granovskii (1963) cho rằng, báo cáo kế toán là hệ thống các chỉ số báo cáo tình trạng tài sản kinh tế, nguồn lực và kết quả hoạt động của DN, tổ chức trong giai đoạn đánh giá; các báo cáo này được tổng hợp từ dữ liệu kế toán. Báo cáo kế toán là một trong những điều kiện cần thiết cho việc quản lý kế hoạch cho nền kinh tế.

Theo Mariana Man và cộng sự (2012) báo cáo kế toán là công cụ đánh giá và theo dõi tình hình tài chính trong các DN. Báo cáo kế toán đại diện cho một hệ thống kế toán quản lý và phù hợp với cấu trúc của từng DN và là kết quả thể hiện trách nhiệm của nhà quản lý.

Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng, báo cáo kế toán chính là một công cụ của kế toán. Bằng việc sử dụng thông tin kế toán, kế toán viên có thể tóm tắt hàng triệu giao dịch và sự kiện trên một bản báo cáo ngắn gọn cung cấp cho những người sử dụng thông tin. Theo Hoàng Thị Mai Lan (2020), báo cáo kế toán là đầu ra của kế toán, là công cụ cơ bản truyền đạt thông tin tài chính và phi tài chính về tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh, dự đoán các hoạt động trong tương lai cho người sử dụng thông tin để họ có thể đưa ra các quyết định.

Đặc điểm của báo cáo kế toán doanh nghiệp

Thông thường, báo cáo kế toán bao gồm các thông tin tài chính và phi tài chính cung cấp cho người sử dụng thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như những dự báo về tình hình tài chính trong tương lai. Theo Hoàng Thị Mai Lan (2020), những báo cáo này thường có các đặc điểm chung sau: Các thông tin dưới dạng thông tin tài chính và phi tài chính; Có thể định lượng được bằng thước đo tiền tệ hoặc có thể không định lượng được; báo cáo được soạn thảo định kỳ hoặc thường xuyên theo nhu cầu của người sử dụng thông tin; Cung cấp thông tin cho người sử dụng ra các quyết định kinh tế... Báo cáo kế toán có nhiều biểu mẫu khác nhau và cung cấp thông tin khác nhau, có thể bắt buộc hoặc không bắt buộc, tùy thuộc vào loại báo cáo.

Tuy nhiên, dù quan điểm nào cũng có thể thấy báo cáo kế toán của DN cung cấp những chỉ tiêu kinh tế tài chính cần thiết, giúp kiểm tra phân tích một cách tổng hợp toàn diện có hệ thống tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính chủ yếu của DN. Đồng thời, cung cấp thông tin, số liệu để kiểm tra, giám sát tình hình hạch toán kinh doanh, tình hình chấp hành các chính sách chế độ kế toán - tài chính của DN. Báo cáo kế toán của DN cũng cung cấp thông tin và số liệu cần thiết để phân tích, đánh giá tình hình, khả năng về tài chính - kinh tế của DN, giúp cho công tác dự báo, lập kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn của DN.

Các tiêu thức phân loại báo cáo kế toán trong doanh nghiệp

Quả kết quả các nghiên cứu về báo cáo kế toán của DN, đồng thời, dựa trên thực tiễn hoạt động của DN Việt Nam hiện nay, có thể đưa ra các tiêu thức sử dụng trong phân loại báo cáo kế toán trong DN bao gồm:

Một là, theo tính pháp lý của báo cáo kế toán.

Nếu căn căn cứ vào tính pháp lý của báo cáo kế toán thì báo cáo kế toán được chia thành hai loại báo cáo kế toán tài chính và báo cáo kế toán quản trị. Trong đó, báo cáo kế toán tài chính là báo cáo kế toán mang tính chất thống nhất, bắt buộc và có giá trị pháp lý cao. Đây là các báo cáo DN phải lập theo quy định trong chế độ báo cáo kế toán, lập theo các mẫu quy định, lập, nộp theo địa chỉ và thời hạn quy định nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho quản lý vĩ mô, cho công tác thống kê và thông tin kinh tế, cũng như phục vụ cho việc phân tích hoạt động kinh tế, tài chính ở các đơn vị.

Trong khi đó, báo cáo kế toán quản trị là báo cáo kế toán không mang tính thống nhất, bắt buộc. Việc lập báo cáo quản trị nhằm cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nội bộ ngành, nội bộ đơn vị. Do vậy, nội dung, hình thức trình bày, kỳ báo cáo được quy định tùy theo yêu cầu quản trị trong từng DN cụ thể. Chế độ quy định về loại báo cáo này (nếu có) chỉ mang tính chất hướng dẫn.

Hai là, theo mục đích cung cấp thông tin.

Về cơ bản báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính chủ yếu cho người sử dụng bên ngoài đơn vị (chủ nợ, người cho vay, nhà đầu tư,...) về khả năng của lợi ích cũng như rủi ro về tài chính trong tương lai. Các báo cáo này tuân theo các chuẩn mực và quy định của nhà nước và quốc tế.

Theo nội dung kinh tế của thông tin kế toán thì báo cáo kế toán bao gồm nhiều báo cáo kế toán cụ thể khác nhau:

- Báo cáo kế toán tài chính gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh BCTC.

- Báo cáo kế toán quản trị gồm: Báo cáo hàng tồn kho, Báo cáo tăng giảm tài sản cố định, Báo cáo chi phí, giá thành từng loại sản phẩm; Báo cáo doanh thu, lãi, lỗ; Báo cáo các khoản công nợ...

Ba là, theo phạm vi đối tượng sử dụng.

Theo cách phân loại này, báo cáo kế toán bao gồm báo cáo kế toán cho mục đích tổng quát và báo cáo kế toán phục vụ cho một đối tượng cụ thể.

- Báo cáo kế toán cho mục đích tổng quát: Là báo cáo kế toán cung cấp thông tin đáp ứng nhu cầu của đại đa số đối tượng sử dụng thông tin, chủ yếu là nhà quản trị, chủ nợ, chủ đầu tư, các bên cho vay... Báo cáo này không được lập để phục vụ riêng cho một đối tượng sử dụng thông tin cụ thể nào đó. Vì đáp ứng số đông công chúng nên các báo cáo này thường là các BCTC được lập theo các chuẩn mực kế toán (Chuẩn mực Kế toán quốc tế IFRS, Chuẩn mực Kế toán quốc gia) hoặc nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung.

- Báo cáo kế toán phục vụ cho một đối tượng cụ thể: Là báo cáo được lập ra để đáp ứng nhu cầu thông tin cho một đối tượng cụ thể. Ví dụ, báo cáo kế toán quản trị được lập để phục vụ cho các nhà quản trị DN, báo cáo, BCTC được lập để phục vụ nhu cầu thông tin của ngân hàng (người cho vay)... Các báo cáo này thường không cần tuân thủ các quy định chung về lập và trình bày báo cáo, mà trình bày những thông tin cần thiết theo nhu cầu của người sử dụng..

Bốn là, theo kỳ lập báo cáo.

Căn cứ vào kỳ lập báo cáo thì báo cáo kế toán bao gồm:

- Báo cáo kế toán định kỳ: được lập vào mỗi kỳ kế toán. Báo cáo này gồm báo cáo năm, quý, báo cáo tháng.

- Báo cáo kế toán thường xuyên (báo cáo nhanh), được lập theo kỳ ngắn hạn nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho quản lý, điều hành hoạt động kinh tế, tài chính ở đơn vị.

Năm là, phân loại theo thời gian và kỳ hạn báo cáo.

Trên tiêu chí phân loại theo thời hạn và kỳ hạn, báo cáo kế toán gồm có báo cáo định kỳ và báo cáo nhanh (báo cáo bất thường).

- Báo cáo kế toán định kỳ: Được lập theo kế hoạch định trước, thông thường cho một kỳ nhất định có thể theo tháng, quý hoặc năm tài chính. Trong báo cáo kế toán định kỳ gồm có báo cáo sơ bộ và báo cáo thường niên. Báo cáo kế toán sơ bộ (Báo cáo kế toán giữa niên độ) là báo cáo kế toán của bất kỳ giai đoạn nào ngắn hơn một năm tài chính nhằm cập nhật thông tin kế toán kịp thời cho người sử dụng thông tin. Báo cáo kế toán thường niên là báo cáo cho một khoảng thời gian trọn vẹn trong một năm tài chính. Báo cáo thường niên không có tính kịp thời bằng báo cáo sơ bộ, tuy nhiên báo cáo này có độ tin cậy cao hơn.

- Báo cáo nhanh: Được lập theo kỳ ngắn hạn nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho quản lý, điều hành hoạt động kinh tế, tài chính ở đơn vị. Đây là các Báo cáo kế toán được lập không theo kế hoạch định trước, mà được lập theo yêu cầu đặc biệt của người sử dụng thông tin, trong trường hợp báo cáo định kỳ không cung cấp đầy đủ thông tin để giải quyết các tình huống trong quản lý và kinh doanh.

Sáu là, theo cơ sở lập báo cáo.

Căn cứ vào cơ sở lập báo cáo, báo cáo kế toán trong DN gồm:

- Báo cáo kế toán thực hiện: Đây là những báo cáo kế toán được lập trên cơ sở thông tin trong quá khứ. Đây là các báo cáo được lập trên cơ sở các giao dịch, sự kiện đã diễn ra trong DN

- Báo cáo kế toán dự toán (dự báo): Đây là những báo cáo kế toán được lập chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin dự báo, dự đoán và được sử dụng cho việc ra quyết định của nhà quản trị DN.

Bảy là, theo mục đích của nhà quản trị về lợi ích có thể đạt được từ người sử dụng thông tin.

Nếu phân loại theo mục đích của nhà quản trị về lợi ích có thể đạt được từ người sử dụng thông tin gồm có: Báo cáo kế toán bảo thủ và báo cáo kế toán sáng tạo và báo cáo kế toán trung lập. Thông thường, các nhà đầu tư muốn được nhìn nhận tình hình tài chính của DN theo quan điểm bảo thủ để giảm thiểu rủi ro đầu tư của mình, ban quản trị DN muốn được nhìn nhận là có những lựa chọn tích cực để nâng cao thu nhập của DN. Các cơ quan tài chính thường quan tâm đến những lựa chọn trung lập phản ánh thực tế hiện tại của DN.

- Báo cáo kế toán bảo thủ: Được lập trên quan điểm ghi nhận tất cả các khoản chi phí và khoản nợ càng sớm càng tốt, ngay cả khi không có sự chắc chắn về kết quả, trong khi đó doanh thu và tài sản chỉ ghi nhận DN đảm bảo được nhận. Như vậy, theo quan điểm này thì trên báo cáo kế toán, tài sản và doanh thu được trình bày với giá trị thấp hơn, ngược lại chi phí và các khoản nợ được ghi nhận cao hơn (Bliss, 1924).

- Báo cáo kế toán sáng tạo: Được lập thông qua quá trình thao túng số liệu kế toán bằng cách tận dụng sơ hở trong chuẩn mực hoặc nguyên tắc kế toán nhằm tạo ra kết quả kế toán theo mong muốn của người lập, mà không trên quan điểm khách quan và nhất quán. Như vậy, báo cáo kế toán sáng tạo được lập trên cơ sở sử dụng các dự báo lạc quan hoặc lợi dụng các quy định chưa rõ ràng trong chuẩn mực kế toán để tạo ra những báo cáo kế toán đẹp hơn thực tế. Báo cáo kế toán sáng tạo thường có xu hướng làm tăng lợi nhuận, hoặc điều chỉnh lợi nhuận ổn định qua các năm, ghi nhận doanh thu và tài sản một cách lạc quan khi chưa có cơ sở chắc chắn. Đồng thời, các khoản nợ và chi phí có thể trì hoãn việc ghi nhận hoặc không được thuyết minh đầy đủ (Naser, 1993).

- Báo cáo kế toán trung lập: Thông tin được trình bày trên báo cáo kế toán không được thiên lệch, phản ánh các thông tin một cách trung thực khách quan. Các chuẩn mực kế toán quốc gia, quốc tế cũng như nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung đều được xây dựng trên tinh thần các BCTC phản ánh trung lập các tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động của DN.

Tám là, phân loại theo nguyên tắc kế toán

Phân loại báo cáo kế toán theo nguyên tắc kế toán bao gồm: báo cáo kế toán trên cơ sở dồn tích và báo cáo kế toán trên cơ sở tiền mặt.

- Báo cáo kế toán trên cơ sở dồn tích: Được lập trên cơ sở mọi sự kiện, giao dịch kinh tế liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, danh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh, không quan tâm đến thời điểm thực tế thu hoặc chi tiền các sự kiện, giao dịch đó.

- Báo cáo kế toán trên cơ sở tiền mặt: Được lập trên cơ sở chỉ ghi nhận các giao dịch, sự kiện kinh tế khi các giao dịch, sự kiện này phát sinh bằng tiền.

Một số khuyến nghị

Nghiên cứu phân loại báo cáo kế toán trong DN giúp các nhà nghiên cứu, người học cũng như người lập báo cáo kế toán có cái nhìn toàn diện về báo cáo kế toán, để có thể thiết kế hệ thống báo cáo kế toán phù hợp cho từng DN. Đồng thời, đưa ra cái nhìn đầy đủ và sâu sắc về báo cáo kế toán trong DN theo các tiêu thức, khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, việc phân loại báo cáo kế toán phụ thuộc vào đặc điểm hoàn cảnh cụ thể của từng DN, từng quốc gia và khu vực, do vậy việc phân loại này có thể thay đổi theo hoàn cảnh cụ thể. Để việc phân loại báo cáo kế toán mang lại lợi ích cho DN, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong hoạt động của DN, báo cáo kế toán có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp về tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính của DN cho các đối tượng liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán... mà còn giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định điều hành. Nói cách khác, báo cáo kế toán cung cấp những thông tin hết sức quan trọng. Do vậy, nhà quản trị và cán bộ kế toán cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các báo cáo kế toán trong hoạt động của mình. Đồng thời, cần nhận thức được, việc phân loại các báo cáo kế toán để giúp cho công tác báo cáo, điều hành trong DN dễ dàng. Việc phân loại báo cáo kế toán nhằm mục đích giúp các nhà quản trị xây dựng hệ thống báo cáo kế toán phù hợp trong DN. Qua đó, giúp cải thiện chất lượng thông tin cung cấp trên báo cáo kế toán trong DN.

Thứ hai, để thực hiện được vai trò là hệ thống cung cấp thông tin kinh tế hữu ích của DN cho các đối tượng sử dụng, báo cáo kế toán cần đảm bảo một số nguyên tắc, trong đó, các thông tin trên các báo cáo tài chính kế toán phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(i) Các thông tin do các báo cáo tài chính kế toán cung cấp phải dễ hiểu đối với người sử dụng để họ có thể lấy đó làm căn cứ đưa ra các quyết định của mình (Tất nhiên người sử dụng ở đây phải là người có kiến thức về hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh tế, hiểu biết về lĩnh vực tài chính kế toán ở một mức độ nhất định).

(ii) Để báo cáo tài chính kế toán thực sự hữu ích đối với người sử dụng, các thông tin trình bầy trên đó phải đáng tin cậy. Các thông tin được coi là đáng tin cậy khi chúng đảm bảo yêu cầu sau: Trung thực; Khách quan; Đầy đủ.

(iii) Các thông tin do hệ thống báo cáo tài chính kế toán cung cấp phải đảm bảo cho người sử dụng có thể so sánh chúng với các kỳ trước, kỳ kế hoạch để xác định được xu hướng biến động thay đổi về tình hình tài chính của DN. Ngoài ra, người sử dụng cũng có nhu cầu so sánh BCTC kế toán của các DN trong cùng lĩnh vực để đánh giá mối tương quan giữa các DN cũng như so sánh thông tin khi có sự thay đổi về cơ chế chính sách tài chính kế toán mà DN áp dụng.

(iv) Để BCTC kế toán có ích cho người sử dụng, các thông tin trình bầy trên báo cáo tài chính kế toán phải thích hợp với người sử dụng để họ có thể đưa ra các quyết định kinh tế của mình.

Thứ ba, kế toán DN có nhiệm vụ lập, trình bày hệ thống báo cáo kế toán để phục vụ cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Để đảm bảo đáp ứng nhu sử dụng thông tin của các đối tượng sử dụng thì trước khi lập báo cáo kế toán, tổ chức công tác kế toán trong DN cần thực hiện các công việc cụ thể sau: Thu nhận đầy đủ thông tin về các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, thực sự hoàn thành đến thời điểm lập báo cáo kế toán, ghi chép, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ đó vào chứng từ, sổ kế toán; Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của các chứng từ kế toán; Kiểm tra tính chính xác của việc ghi sổ kế toán chi tiết, sổ kế toán tổng hợp; Ghi sổ kế toán các nghiệp vụ nội sinh và khóa sổ kế toán; Đôn đốc và giám sát việc thực hiện kiểm kê định kỳ đối với các tài sản có thể kiểm kê được và phản ánh kết quả kiểm kê vào sổ kế toán trước khi khóa sổ nhằm đảm bảo tính thực tế của số liệu báo cáo; Thực hiện việc đối chiếu, xác minh công nợ, các khoản tiền gửi và tiền vay ngân hàng; Tổ chức lập các báo cáo kế toán cụ thể theo từng yêu cầu quản lý của Nhà nước cũng như yêu càu quản trị trong nội bộ DN...

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;

2. Đức Minh (2019), Các loại báo cáo kế toán - Tổ chức trình bày báo cáo kế toán;

3. Hoàng Thị Mai Lan (2020), Về phân loại báo cáo kế toán trong doanh nghiệp, Tạp chí Kế toán Kiểm toán số 1/2020;

4. Granovaskii, G.M. (1963), Metody proverki dostovernosti bukhgalterskoi otchetnosti, Moscow, A.D Karbyshev, https://encyclopedia2.thefreedictionary.co m/Accounting+Reports IASB, (2010), The Conceptual Framework for Financial Reporting, was approved September, 2010, http://
eifrs.ifrs.org;

5. Naser, K. (1993), Creative Financial Accounting: Its Nature and Use, Prentice Hall, Hemel Hempstead, p. 272.