Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành du lịch An Giang theo hướng bền vững
Để phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang theo hướng bền vững, cần phải xây dựng một chiến lược dài hạn, với các giải pháp đồng bộ. Bài viết này xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang theo hướng bền vững, tiến hành điều tra để định vị tầm quan trọng của các yếu tố này và từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp.
Giới thiệu
An Giang là tỉnh nông nghiệp thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp tỉnh Cần Thơ, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia. An Giang có tiềm năng phát triển du lịch do điều kiện tự nhiên thuận lợi với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, vùng núi, biên giới, lễ hội…
Để phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững, An Giang cần xây dựng một chiến lược dài hơi. Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành Du lịch tỉnh An Giang theo hướng bền vững sẽ là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp phù hợp.
Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý thuyết
Khoản 1, Điều 4, Luật Du lịch (2005) nêu: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (1994), khái niệm về du lịch được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là: “Du lịch bao gồm các hoạt động của những người đi du lịch đến và ở lại ở những nơi bên ngoài môi trường thông thường của họ, không quá một năm liên tiếp, cho giải trí, kinh doanh và các mục đích khác” (United Nations, World Tourism Organization, 1994, tr.5).
Khoản 3, Điều 5, Luật Du lịch (2017), “sản phẩm du lịch” được định nghĩa như là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch (Luật Du lịch , 2017).
Theo Khoản 7, Điều 3, Luật Du lịch (2017), “Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch” (Luật du lịch , 2017). Theo Michał Żemla (2016), “điểm đến du lịch là khu vực địa lý, có chứa đặc điểm cảnh quan và văn hóa mà vị trí nơi đó cung cấp sản phẩm du lịch, tức là cung cấp các cơ sở giao thông vận tải – chỗ ở – thực phẩm và ít nhất có một hoạt động nổi bật hoặc trải nghiệm”.
Tổ chức Du lịch Thế giới đã định nghĩa “phát triển du lịch theo hướng bền vững là việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận, đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai. Nó được coi là dẫn đến việc quản lý tất cả các nguồn tài nguyên theo cách mà các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ có thể được đáp ứng trong khi duy trì tính toàn vẹn của văn hóa, các quá trình sinh thái thiết yếu, sự đa dạng sinh học và các hệ thống hỗ trợ sự sống” (Lucian Cernat & Julien Gourdon, 2007, tr.1).
Điều 4, Chương 1, Luật Du lịch Việt Nam (2005): Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai (Luật Du lịch, 2005).
Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp: Các dữ liệu thứ cấp được thu thập bao gồm số liệu về thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch của ngành tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2023;
- Phương pháp điều tra xã hội học: Điều tra xã hội học được thực hiện thông qua bảng khảo sát, phỏng vấn 360 cán bộ, công chức đang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch An Giang, các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động kinh doanh tại tỉnh An Giang và khách du lịch. Thời gian khảo sát từ tháng 01-02/2024.
- Phương pháp xử lý dữ liệu thứ cấp: Dữ liệu sơ cấp thu thập được xử lý bằng các phương pháp: phân tích, so sánh, thống kê mô tả.
- Phương pháp xử lý dữ liệu sơ cấp: các phương pháp được sử dụng để phân tích như phương pháp phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy bội…
Mô hình nghiên cứu

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả
Để tiến hành đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành Du lịch tỉnh An Giang, tác giả lựa chọn mô hình của Trương Trí Thông (2020), đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch theo hướng bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với 8 nhân tố có ảnh hưởng đến phát triển du lịch An Giang theo hướng bền vững như sau: (1) Thể chế chính sách (4 biến); (2) An toàn và an ninh (4 biến); (3) Môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú (5 biến); (4) Văn hóa (4 biến); (5) Con người (4 biến); (6) Kinh tế (4 biến); (7) Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật (3 biến); (8) Phát triển du lịch theo hướng bền vững (3 biến).
Kết quả nghiên cứu
Bảng 1: Hoạt động kinh doanh ngành Du lịch An Giang giai đoạn 2021 – 2023 |
||||||
Tiêu chí |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
|||
Doanh thu từ hoạt động du lịch (tỷ VND) |
Số lượng |
So sánh cùng kỳ (%) |
Số lượng |
So sánh cùng kỳ (%) |
Số lượng |
So sánh cùng kỳ (%) |
Số lượng khách du lịch (ngàn lượt) |
2.300 |
- |
4.700 |
140,34 |
5.700 |
21,27 |
3.500 |
- |
7.500 |
114,28 |
8.300 |
10,66 |
|
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch An Giang các năm 2021, 2022, 2023 |
Bảng 2: kết quả kiểm định Cronbach alpha thang đo Phát triển ngành Du lịch |
||||
STT |
Thành phần |
Số biến |
Cronbach alpha |
Biến bị loại |
1 |
Thể chế chính sách (CHINHSACH) |
4 |
0,842 |
0 |
2 |
An toàn và an ninh (ANTOAN) |
4 |
0,917 |
0 |
3 |
Môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú (MOITRUONG) |
5 |
0,824 |
0 |
4 |
Văn hóa (VANHOA) |
4 |
0,909 |
0 |
5 |
Con người (CONNGUOI) |
4 |
0,909 |
0 |
6 |
Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật (HATANG) |
3 |
0,919 |
0 |
7 |
Kinh tế (KINHTE) |
4 |
0,701 |
0 |
8 |
Phát triển du lịch bền vững (PHATTRIEN) |
3 |
0,836 |
0 |
Nguồn: Số liệu từ kết quả điều tra của tác giả |
Bảng 3: Kết quả hồi quy rút gọn |
|||||||
Hệ sốa |
|||||||
Mô hình |
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số chuẩn hóa |
Mức ý nghĩa (Sig.) |
Hệ số thống kê đa cộng tuyến |
|||
B |
Sai số chuẩn |
Beta |
Độ chấp nhận của biến |
Hệ số phóng đại phương sai (VIF) |
|||
1 |
(Constant) |
0,350 |
0,327 |
0,285 |
|||
CHINHSACH |
0,106 |
0,048 |
0,109 |
0,028 |
0,584 |
1,712 |
|
ANTOAN |
0,179 |
0,038 |
0,219 |
0,000 |
0,658 |
1,519 |
|
VANHOA |
0,234 |
0,059 |
0,204 |
0,000 |
0,544 |
1,838 |
|
MOITRUONG |
0,169 |
0,055 |
0,146 |
0,002 |
0,625 |
1,600 |
|
HATANG |
0,216 |
0,040 |
0,258 |
0,000 |
0,628 |
1,593 |
|
CONNGUOI |
0,056 |
0,035 |
0,061 |
0,112 |
0,977 |
1,024 |
|
KINHTE |
0,107 |
0,050 |
0,082 |
0,032 |
0,983 |
1,017 |
|
a. Biến phụ thuộc: PHATTRIEN |
|||||||
Nguồn: Số liệu từ kết quả điều tra của tác giả |
Thực trạng phát triển bền vững ngành Du lịch An Giang giai đoạn 2021 – 2023
Doanh thu du lịch gồm các khoản thu từ lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận chuyển du lịch, bán hàng lưu niệm, và các dịch vụ khác của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch... Năm 2021, doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, đến năm 2022, tăng lên 4.700 tỷ đồng (tăng 140,34% so với năm 2021); đến năm 2023, doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục tăng lên 5.700 tỷ đồng, tăng 21,27% so với năm 2022.
Số lượng khách du lịch đến An Giang năm 2021 là 3.500 lượt khách, năm 2022 tăng lên 7.500 lượt khách, tăng 114,28% so với năm 2021; Số lượng khách tiếp tục tăng trong năm 2023 lên đến 8.300 lượt khách, tương ứng tăng 10,66% so với năm 2022.
Kể từ năm 2021, doanh thu, lợi nhuận, số lượt khách tăng mạnh so với những năm trước đó là do ngành Du lịch An Giang đã mạnh dạn đầu tư vốn sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất du lịch, nâng cấp các điểm đến du lịch, tăng chi phí quảng bá, xúc tiến du lịch… nhằm tạo dựng hình ảnh du lịch An Giang mới lạ, thu hút nhiều khách du lịch hơn. Các hoạt động kiểm soát dịch bệnh đã diễn ra trên toàn quốc kể từ những năm 2021 - 2023, bên cạnh đó, các chủ trương, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh An Giang đã được ban hành kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch An Giang sớm khôi phục và phát triển sau đại dịch COVID-19. Kết quả là hoạt động du lịch đã đạt những kết quả tốt, trong đó có một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch.
Phân tích kết quả khảo sát
Kết quả Cronbach alpha
Kết quả Cronbach alpha của thang đo các yếu tố tác động đến phát triển ngành Du lịch An Giang theo hướng bền vững cụ thể như bảng 2.
Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập
Tiến hành Phân tích tổ hợp 28 biến quan sát, kết quả thu được như sau: Hệ số KMO = 0,884 > 0,5 nên phân tích nhân tố là phù hợp, sig. = 0,000 trong kiểm định Bartlett < 0,05. Mô hình có 7 nhân tố được rút ra với phương sai trích 71,648% (>50%), giải thích được 71,648% sự biến thiên của tập dữ liệu này. Các thang đo sau khi phân tích EFA được giữ nguyên 28 biến quan sát, gồm 8 nhân tố và các nhóm nhân tố không bị tách biến hay gộp các biến rác vào các nhân tố khác.
Phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến phụ thuộc:
Kết quả hệ số KMO = 0,682 > 0,5 cho thấy sự hội tụ của các biến quan sát cho nhân tố rất rõ. Mô hình có 1 nhân tố được rút ra và các biến đều có hệ số tải nhân tố với phương sai trích 75,714% (>50%), giải thích được 76,969% sự biến thiên của tập dữ liệu.
Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội
Giá trị R2 hiệu chỉnh = 0,497, tức là bằng 49,7%, giải thích được 49,7% phương sai của biến Y, đồng nghĩa là các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành Du lịch An Giang theo hướng bền vững được giải thích bởi 7 biến độc lập trong mô hình như đã nói trên. Hệ số phóng đại phương sai VIF = 1,017 – 1,838, cho thấy, không có xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Các nhân tố Thể chế chính sách (CHINHSACH); An toàn và an ninh (ANTOAN); Môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú (MOITRUONG); Văn hóa (VANHOA); Con người (CONNGUOI); Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật (HATANG); Kinh tế (KINHTE), và Phát triển ngành Du lịch An Giang theo hướng bền vững (PHATTRIEN), đều có mức ý nghĩa ở mức Sig. < 0,05 (Phụ lục 7.3).
Qua đó, tác giả xây dựng phương trình hồi quy các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngành Du lịch An Giang theo hướng bền vững (PHATTRIEN) như sau:
PHATTRIEN = β0 + 0,258*Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật + 0,219*An toàn và an ninh + 0,214*Văn hóa + 0,146*Môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú + 0,109*Thể chế chính sách + 0,050*Kinh tế + 0,035*Con người.
Kết luận và hàm ý chính sách
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố tác động mạnh nhất đến Phát triển ngành Du lịch An Giang theo hướng bền vững (PHATTRIEN) trong phương trình hồi quy là Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật (HATANG), hệ số Beta = 0,258; Tác động mạnh thứ hai là An toàn và an ninh (ANTOAN), hệ số Beta = 0,219; Xếp thứ ba là nhân tố Văn hóa (VANHOA), hệ số Beta = 0,214; Thứ tư là Môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú (MOITRUONG), hệ số Beta = 0,146; Tác động mạnh thứ năm là Thể chế chính sách (CHINHSACH), hệ số Beta = 0,109; Tác động mạnh thứ sáu là Kinh tế (KINHTE), hệ số Beta = 0,050; và cuối cùng là Con người (CONNGUOI), hệ số Beta = 0,035.
Theo đó, các giải pháp để phát triển ngành Du lịch tỉnh An Giang theo hương bền vững gồm:
- Giải pháp về cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật: Cần tập trung đầu tư nâng cấp hoàn thiện các tuyến quốc lộ quan trọng trong vùng, các tuyến lộ kết nối với quốc lộ 1A, các tỉnh và vùng xung quanh thành phố, các tuyến quốc lộ kết nối với các nước trong khu vực; Cần bố trí và quy hoạch khu vực cắm trại và khu vực dã ngoại cho du khách tại các điểm du lịch, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hoặc khách tham quan khi đến đây.
- Giải pháp về văn hóa: Tỉnh cần xây dựng và phát triển loại hình dịch vụ về tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kiến trúc và con người. Để thu hút được khách du lịch, phải phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch và cơ quan liên quan, chú trọng vào việc tôn tạo và đào tạo đội ngũ quản lý có chuyên môn cao am tường lĩnh vực quản lý như các lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc), lễ Dolta và đua bò của người Khmer ở huyện Tri Tôn, lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên (huyện An Phú) và lễ hội văn hóa dân tộc Chăm… Phát triển các gói sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái.
- Giải pháp về an toàn và an ninh: Chính quyền địa phương và cơ quan ngành Du lịch An Giang cần thành lập đội ngũ nhân viên bảo vệ tuần tra tại các điểm di tích thắng cảnh để chấn chỉnh và xử lý các trường hợp chèo kéo, trộm cắp, ăn xin và bán hàng rong tại các điểm du lịch, nhất là vào mùa cao điểm. Đồng thời, cần lắp đặt các biển báo có các số điện thoại đường dây nóng để du khách kịp thời phản ánh cũng như chính quyền địa phương kịp thời xử lý khi gặp các trường hợp chèo kéo, chặt chém, trộm cắp…
- Giải pháp về môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú: Để nâng cao và cải thiện vấn đề môi trường ở điểm du lịch tại An Giang cần có các biển báo, băng rôn tuyên truyền ý thức người dân và du khách nhiều hơn nữa; cần có các thùng rác xung quanh khu vực tham quan; đưa ra những khung phạt cụ thể đối với việc vứt rác bừa bãi trong khu vực tham quan; có đội ngũ thu gom rác xung quanh các điểm du lịch, nhất là nơi có đông đảo du khách; Đầu tư và nâng cấp công suất hệ thống cung cấp nước sạnh; Xây dựng mới và cải tạo hệ thống cấp nước tại các khu vực chưa có và lưu lượng và áp suất yếu. Về dài hạn, cho phép tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp nước.
- Giải pháp về thể chế chính sách: Tỉnh cần lập danh sách, đánh giá và phân loại các khu di tích, lịch sử nhằm xác định những hạng di tích nào cần tôn tạo, và những di tích nào được đón tiếp khách tham quan… Cơ quan quản lý du lịch tại địa phương cần có những biện pháp hợp lý tại các điểm du lịch như không phá hoại cảnh quan tự nhiên, quy hoạch nơi tham quan và nơi buôn bán…; Thường xuyên nâng cao ý thức cho người dân, người lao động, cán bộ quản lý du lịch... về phòng chống cháy nổ ở cơ sở lưu trú; trang bị đầy đủ áo phao cứu hộ trên tàu, thuyền du lịch...
- Giải pháp về kinh tế: ngành Du lịch cần chú trọng kêu gọi người dân tại các điểm đến nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển bền vững du lịch, đặc biệt là phát triển loại hình “du lịch xanh” – du lịch thân thiện, gần gũi với môi trường sinh thái. UBND tỉnh cần tăng cường hỗ trợ kinh tế cho địa phương, hỗ trợ vốn cho cộng đồng dân cư để đảm bảo nền kinh tế tại địa phương phát triển bền vững.
- Giải pháp về con người: Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến nghiệp vụ, thông tin thị trường cho nhân viên du lịch. Chú trọng hơn nữa thực hiện việc chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực du lịch thông qua các tổ chức, hiệp hội hoạt động du lịch trong nước và quốc tế…
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật Du lịch (2017); Luật Du lịch (2005);
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch An Giang (2021), Báo cáo Tổng kết hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch giai đoạn 2019- 2021;
- Trương Trí Thông (2020), Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch theo hướng bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ. 56(3C):184-193;
- Lucian Cernat & Julien Gourdon (2007), Is the conceipt of sustainable tourism sustainable? United Nations Conferences on Trade and Development;
- United Nations, World Tourism Organization (1994), Recommendations on Tourism Statistics, Series M, No. 83, New York: United Nations.