Các yếu tố ảnh hưởng đến xanh hóa chuỗi cung ứng ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam

Võ Thị Vân Na - Trường Đại học Kinh tế - Tài Chính TP. Hồ Chí Minh

Bài viết tiếp thu nền tảng nghiên cứu về Chuỗi cung ứng xanh: “Tăng cường năng lực lồng ghép phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong công tác lập kế hoạch” bàn luận tính phù hợp cần xanh hóa chuỗi cung ứng ngành Thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Từ đó, tác giả biện luận tầm quan trọng các yếu tố ảnh hưởng đến xanh hóa chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu ở Việt Nam và khuyến nghị một số giải pháp.

Ngành Thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt được điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu
Ngành Thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt được điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu

Giới thiệu

Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ giá trị xuất khẩu của ngành Thủy sản. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn khi tiếp cận thị trường quốc tế là vấn đề môi trường và việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Các nước nhập khẩu đưa ra mức thuế chống bán phá giá cao đối với hàng thủy sản Việt Nam và đặt ra các điều kiện liên quan đến thực hành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Để đáp ứng được những điều kiện đó, nhà sản xuất phải đầu tư không ít vốn, không phải chỉ để trả phí cho hoạt động đánh giá, mà chủ yếu là chi cho nâng cấp cải tạo điều kiện của cơ sở sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý môi trường và đào tạo nguồn nhân lực.

Chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu phụ thuộc từ đầu vào là con giống, chất lượng khâu nuôi trồng, chế biến và phân phối sản phẩm. Do đó, xanh hóa chuỗi cung ứng ngành Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ góp phần làm cho mặt hàng xuất khẩu này thuận lợi hơn và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp khi sử dụng hiệu quả nguồn lực, cũng như hòa nhập với xu thế toàn cầu khi hướng đến nền kinh tế xanh.

Một số khái niệm

Theo Bearing Point (2008), chuỗi cung ứng xanh là một phương thức nhằm tối thiểu hóa tác động môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ bao gồm các giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm.

Narasimhan và Carter (1998) chỉ ra rằng, quản trị chuỗi cung ứng xanh liên quan đến sử dụng các phương pháp làm giảm bớt các nguyên vật liệu bên cạnh việc tái chế và tái sử dụng. Nghiên cứu của Sivastasa (2007) cho thấy, quản trị chuỗi cung ứng xanh là kết hợp yếu tố môi trường vào quản trị chuỗi cung ứng dịch vụ bao gồm: tìm kiếm nguyên liệu, thiết kế sản phẩm, sản xuất và phân phối sản phẩm cuối cùng.

Trong bài viết này, các thuật ngữ chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu, xanh hóa chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu và quản trị chuỗi cung ứng xanh được hiểu như sau:

- Chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu là quá trình chuyển đổi nguyên liệu ban đầu từ con giống đến giai đoạn nuôi trồng tạo thành nguyên liệu đầu vào cung cấp cho doanh nghiệp chế biến thủy sản thành sản phẩm xuất khẩu.

- Xanh hóa chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu là tích hợp yếu tố môi trường vào chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu.

- Quản trị chuỗi cung ứng xanh là quản trị các yếu tố nguồn lực về con người, tài chính, công nghệ, truyền thông và các yếu tố khác nhằm đáp ứng mục tiêu xanh hóa chuỗi cung ứng.

Sự cần thiết phải xanh hóa chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu

Trong những năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam đã tận dụng tốt được điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, sản lượng thủy sản tăng trưởng liên tục trong 20 năm qua với mức tăng bình quân là 10,2%/năm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản có những bước phát triển mạnh mẽ, sản lượng bình quân đạt 16,1%/năm đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

Đặc biệt trong năm 2022, thủy sản Việt Nam tăng trưởng kỷ lục, với mức tăng 23,6% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, trong đó: xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 tỷ USD (cá ngừ 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD)… Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18% đến 65%, trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất với 65%, cá ngừ tăng trưởng lớn thứ hai với mức 40%, mực và bạch tuộc tăng 30%, tôm tăng 14%...

Về thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng thủy sản lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 7% thị phần trên thị trường thế giới và đã mở rộng xuất khẩu sang hơn 160 thị trường. Trong đó, 3 thị trường chính là EU chiếm 20,1%, Mỹ chiếm 18%, Nhật Bản là 16,7% và những thị trường tiềm năng khác như: Trung Quốc (16%) và ASEAN (22%).

Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức về vấn đề nguyên liệu chế biến như: quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng; chất lượng con giống, chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo quy định IUU (hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi. Bên cạnh đó, thị trường khi lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng, tác động trực tiếp, tạo áp lực đến ngành Thuỷ sản. Sự cạnh tranh với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn cũng là một thách thức lớn cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Yếu tố ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng xanh ngành Thủy sản xuất khẩu

Nghiên cứu của Ban quản lý dự án Chuỗi cung ứng xanh cho thấy, có 7 yếu tố có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xanh, đó là: Tài chính; Thể chế, quy định; Quy mô thị trường; Con người và nguồn nhân lực; Công nghệ; Quản trị; Thông tin tuyên truyền.

Xét đặc điểm xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, theo tác giả các yếu tố sau đây có ảnh hưởng đến xanh hóa chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam theo thứ tự tầm quan trọng như sau:

- Hội nhập thị trường quốc tế. Yếu tố này có tác động quan trọng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Muốn vươn ra và đứng vững trên thị trường thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp phải hòa nhập vào xu thế chung là xanh hoá hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

- Thể chế, quy định. Đây là yếu tố bên ngoài doanh nghiệp nhưng có tác động trực tiếp đến việc thực hiện xanh hóa chuỗi cung ứng. Với mục tiêu xuất khẩu thủy sản, nhà nước có những quy định về môi trường, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng doanh nghiệp đến mục tiêu phát triển thủy sản bền vững. Bên cạnh các quy định, hoạt động giám sát việc thực hiện và biện pháp chế tài hiệu quả sẽ thúc đẩy việc thực hiện xanh hóa chuỗi cung ứng.

- Năng lực quản trị. Để thực hiện chuỗi cung ứng xanh đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của nhà quản trị. Đối với doanh nghiệp, lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh chưa hẳn là mục tiêu cuối cùng, mà thứ doanh nghiệp cần hướng đến là sự phát triển bền vững.

- Tài chính. Yếu tố tài chính là yếu tố bên trong có tính chất quyết định đến việc doanh nghiệp đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường. Dù doanh nghiệp có nhận thức được lợi ích của công nghệ mới nhưng không có đủ nguồn lực hoặc không tiếp cận được vốn từ bên ngoài thì khó có thể thực hiện được. Đối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu, nguồn lực tài chính đầu tư hoạt động sản xuất cho yếu tố đầu vào rất lớn như: con giống, thức ăn, thuốc… Khi áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong chuỗi cung ứng thì cần có nguồn lực đủ mạnh để thực hiện. Do vậy, cần có nguồn tài trợ từ các ngân hàng với chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

- Nguồn nhân lực. Yếu tố này đòi hỏi sự phù hợp về trình độ nguồn nhân lực với quy trình công nghệ hướng đến xanh hóa chuỗi cung ứng. Nếu doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường mà không đào tạo nhân lực sử dụng được công nghệ mới thì khả năng chuyển đổi chuỗi cung ứng xanh không thực hiện được. Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn môi trường và năng lượng cũng cần tính đến chất lượng nguồn nhân lực trong các công ty sản xuất.

- Công nghệ. Yếu tố công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tái chế làm giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ xử lý chất thải rắn, khí độc, chất thải gây ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy, yếu tố này có liên quan trực tiếp với yếu tố tài chính và nguồn nhân lực.

- Tuyên truyền. Yếu tố này nhấn mạnh đến các biện pháp của Nhà nước nhằm tác động đến nhận thức của nhà sản xuất và ý thức tiêu dùng sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Vì vậy, việc thực hiện công tác tuyên truyền sẽ giúp các nhà sản xuất, người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp hiểu rõ hơn về lợi ích cũng như tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng… tạo động lực cho các nhà sản xuất trong việc thay đổi, đổi mới hay cải tiến công nghệ.

Giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng ngành Thủy sản

Để xanh hóa chuỗi cung ứng ngành Thủy sản xuất khẩu Việt Nam, theo tác giả cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Theo đó, khuyến khích các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ trong chuỗi cung ứng liên kết hình thành một doanh nghiệp đủ mạnh về các tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực để thực hiện xanh hóa chuỗi cung ứng; Đồng thời, liên kết thành lập các trung tâm hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tại tỉnh, thành phố nhằm chia sẻ, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Thứ hai, tích hợp yếu tố môi trường vào chuỗi cung ứng ngành thủy sản xuất khẩu. Trong chuỗi cung ứng ngành thủy sản xuất khẩu để đáp ứng tiêu chuẩn xanh thì cần tuân thủ các điều kiện về sản xuất con giống, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, cụ thể như sau:

- Về sản xuất con giống: Khâu sản xuất con giống thường được ương giống tại các trung tâm nghiên cứu sản xuất giống hoặc từ các nông hộ. Con giống là yếu tố quan trọng nhất, do đó, trong quá trình ương, con giống cần được kiểm tra quản lý chất lượng chặt chẽ theo các tiêu chuẩn Global Gap, SQF 1.000, ASC, VietGap. Con giống cung cấp cho giai đoạn nuôi trồng cần khỏe mạnh và có tỷ lệ sống cao.

- Về nuôi trồng thủy sản: Để hàng thủy sản có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn bền vững của Hội đồng nuôi trồng thủy sản bền vững châu Âu (ASC) hoặc các tiêu chuẩn GlobalGAP, PAD... tùy vào quốc gia nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cần chú ý đến việc sử dụng con giống, thức ăn, thuốc, thu gom, xử lý chất thải, nước thải đều phải theo tiêu chuẩn doanh nghiệp áp dụng và tuân thủ các quy định về danh mục thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

- Về chế biến thủy sản xuất khẩu: Doanh nghiệp chế biến thủy sản trong quá trình chế biến sẽ tạo ra nhiều chất thải, nước thải, do đó, cần chú ý đến khâu xử lý nước thải. Giai đoạn này cũng gắn kết yếu tố môi trường vào sản xuất tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất đến thiết kế bao bì khi phân phối đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, rà soát các sản phẩm khiếm khuyết, phân loại và tiếp tục chuyển vào kho, đưa vào sản xuất lần 2 làm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Quá trình logistics ngược này đóng vai trò như một trung tâm điều phối, rà soát và xử lý các yếu tố liên quan ở các bước khác nhau của các quá trình chuyển tiếp, tái sản xuất hàng hóa trong chuỗi cung ứng xanh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp sản xuất về lợi ích của sản xuất sản phẩm xanh; Tăng cường sự giám sát và có biện pháp chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về môi trường trong hoạt động sản xuất tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, khuyến khích công bố thông tin môi trường, giải pháp xanh qua các báo cáo thường niên, báo cáo bền vững của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2013), Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chương trình phát triển Liên hợp quốc (2015), Nghiên cứu “Chuỗi cung ứng xanh” - Báo cáo nghiên cứu thuộc dự án: Tăng cường năng lực lồng ghép phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong công tác lập kế hoạch;
  3. Phạm Đình Côn (2014), Giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, Tạp chí khoa học môi trường;
  4. Lâm Thị Trúc Linh (2019), Các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường- Nghiên cứu tại các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  5. Narasimhan R., and Carter J. R. (1998), Enviromental Supply Chain Management, The center for Advanced Purchasing Studies, Arizona State University, Tempe, AZ;
  6. Sivastasa S. K (2007), Green supply chain Management: A state of Art literature review, International Journal of management reviews, 9(1), 53-80.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023