Cải cách chính sách tiền lương - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam
Ngày 13/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO) tổ chức hội thảo Cải cách chính sách tiền lương - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cái cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công Vương Đình Huệ cho biết: Ngay từ năm 1960, sau khi hoàn thành cải tạo KT - XH chủ nghĩa ở miền Bắc, chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương lần thứ nhất. Đến năm 1985, thực hiện cải cách tiền lương lần thứ hai - “cải cách giá - lương - tiền”, mở đầu cho thời kỳ đổi mới.
Năm 1993, thực hiện cải cách tiền lương lần thứ ba, đặt nền móng cho sự hình thành tiền lương theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường lao động; tách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp; tách dần chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Từ năm 2004, tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương trên cơ sở mở rộng quan hệ tiền lương, thu gọn một bước hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập...
Tuy nhiên, dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng tiền lương nhìn chung còn thấp, vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc.
Đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép lớn và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách nhà nước. Tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động còn hạn chế...
Trong thời gian tới, cải cách chính sách tiền lương cần phải có quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, phải kết hợp giữa đáp ứng nhu cầu của người lao động với khả năng nền kinh tế; cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa với cải cách các lĩnh vực, chính sách khác trong tổng thể nền kinh tế.
Đặc biệt, kết quả thực hiện cải cách hành chính, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương; từ đó thúc đẩy trở lại đến cải cách hành chính, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để cải cách tiền lương thành công đòi hỏi phải thiết kế hệ thống tổng thể, hài hòa và phù hợp trên các phương diện, cả về kỹ thuật, mang lại hiệu quả KT - XH và đồng thuận về chính trị trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung cả trước mắt và trong trung, dài hạn.