Cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp

HỒNG PHÚC

(Tài chính) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hải quan, thể hiện tâm thế cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất; Đồng thời, vận hành VNACCS/VCIS đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan năm 2014...

Ngành Hải quan đã không ngừng thực hiện cải cách, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Nguồn: internet
Ngành Hải quan đã không ngừng thực hiện cải cách, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Nguồn: internet
Nhiệm vụ lớn trong cải cách

Cải cách hiện đại hóa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách đặt ra cho ngành Hải quan trong xu thế phát triển chung hiện nay. Quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi sự đổi mới toàn diện của Ngành nhằm đáp ứng nhanh chóng với các nhu cầu ngày càng tăng của thương mại quốc tế. Xuất phát từ chức năng đặc thù của Ngành là cơ quan quản lý biên giới - “Người gác cửa nền kinh tế”, do đó, hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của Hải quan tác động mạnh mẽ đến quá trình thuận lợi hóa thương mại quốc tế.

Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành Hải quan đã không ngừng thực hiện cải cách, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Năm 2014, được xác định là năm tiếp tục có nhiều đột phá về cải cách, hiện đại hóa trong ngành Hải quan. Điều này đã được khẳng định khi mới đây, Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2014. Trong đó, công tác cải cách hành chính của ngành Hải quan được đặc biệt nhấn mạnh, tập trung vào 07 nhiệm vụ lớn sau:

Một là, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Hải quan sửa đổi;

Hai là, tổng kết đánh giá, thi hành, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2005/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, Nghị định số 14/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan;

Ba là, tổng kết đánh giá, thi hành, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Bốn là, tổng kết đánh giá, thi hành, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2003/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Năm là, tổ chức, thực hiện, triển khai đề án hiện đại hóa hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS;

Sáu là, tổ chức, thực hiện, triển khai đề án thực hiện Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia;

Bảy là, tổ chức, thực hiện, triển khai đề án Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền ngành Hải quan giai đoạn 2011-2020.

Trên cơ sở xác định các nhiệm vụ trọng tâm, Tổng cục Hải quan đã và đang vào cuộc triển khai một cách khẩn trương, sớm đưa các nhiệm vụ trên vào triển khai, tạo thuận lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng xác định, càng sớm hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra trong cải cách, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, uy tín phục vụ khách hàng…

Tạo thuận lợi hơn nữa cho DN

Với mục tiêu hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), trong thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp cải tiến quy trình thủ tục hải quan, ứng dụng trang thiết bị mới, công nghệ tiên tiến và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, liêm chính đối với cán bộ, công chức Hải quan. Hiện ngành Hải quan đã và đang triển khai một số giải pháp như:

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống tự động hóa thủ tục hải quan (dự án VNACCS/VCIS) để chính thức hoạt động từ tháng 6/2014. Khi đó, hệ thống sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thông quan, tăng cường quản lý hoạt động XNK và giảm bớt tiêu cực. Để tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, ngành Hải quan sẽ đầu tư vào trang thiết bị như máy soi, hệ thống camera giám sát tại các điểm thông quan và tiến tới thành lập trung tâm chỉ huy trung ương để quản lý hiệu quả quá trình thông quan, ngăn chặn tiêu cực.

 Tiếp tục minh bạch hóa quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa XNK thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý để phục vụ việc tra cứu (như xây dựng bộ mã hóa chính sách quản lý và văn bản quản lý đối với hàng hóa XNK; cập nhập vào Danh mục biểu thuế để hỗ trợ cho DN và cơ quan Hải quan trong tra cứu và kiểm tra việc áp việc áp dụng các chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK…).

Đồng thời, ngành Hải quan sẽ kiến nghị với các bộ quản lý chuyên ngành xem xét, sửa đổi một số chính sách quản lý hàng hóa XNK còn chồng chéo, không phù hợp như: quy định đối với một số mặt hàng động vật, sản phẩm động vật vừa phải thực hiện kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm… Tập trung tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Hải quan; tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách mới tới cộng đồng DN.

Mặt khác, tích cực thực hiện các văn bản về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan ban hành. Tiếp tục duy trì hộp thư điện tử, đường dây nóng, tiếp công dân để tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin phản ánh của người dân và DN về các vướng mắc chế độ chính sách, thủ tục hải quan, tiêu cực của công chức hải quan theo Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết công việc của người dân vàDN.

Đặc biệt, ngành Hải quan thành lập lực lượng giám sát, kiểm tra đột xuất tại các địa bàn trọng điểm, có lưu lượng hàng hóa lớn, phức tạp. Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tận dụng sự hỗ trợ của người dân và cộng đồng DN để làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động quản lý hải quan, tăng cường tính minh bạch của cơ quan Hải quan trong xã hội. Đối với những trường hợp cán bộ, công chức có sai phạm, quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Hải quan là xử lý nghiêm, đúng pháp luật.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014