Sửa Luật Quản lý thuế:
Cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết hoàn thuế
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về hoàn thuế. Theo đó, việc hoàn thuế sẽ được xây dựng trên nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm thiểu thủ tục hành chính, hướng tới giải quyết công tác này nhanh, gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Vướng từ chính sách lẫn thực tiễn
Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế hiện hành đang quy định hoàn thuế theo các loại Luật thuế như: Luật thuế Xuất nhập khẩu, Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và các Luật thuế khác. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế hiện hành đang quy định 4 điều liên quan đến hoàn thuế, gồm: Các trường hợp thuộc diện hoàn thuế; hồ sơ hoàn thuế; Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế; Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, hiện nay vẫn đang có một số vướng mắc cụ thể cả trong quy định của Luật cũng như trong thực tế. Cụ thể, Luật Quản lý thuế hiện hành đang quy định hoàn nộp thừa theo một số luật thuế liên quan, tuy nhiên lại không bao quát hết các trường hợp hoàn nộp thừa.
Một vướng mắc khác về hoàn thuế nữa là việc phân loại hồ sơ kiểm tra trước khi hoàn. Luật Quản lý thuế hiện hành quy định cụ thể một số trường hợp phải kiểm tra trước hoàn như hoàn lần đầu, hoàn miễn trừ ngoại giao, hoàn với doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tổ chức, không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, không giải trình bổ sung thông tin trong hồ sơ hoàn thuế...
“Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp phải kiểm tra trước khi hoàn, nhưng cơ quan Thuế không đủ nguồn lực thực hiện và chưa theo nguyên tắc quản lý rủi ro, dẫn đến tính thực thi của luật chưa cao”, đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận.
Bên cạnh đó, đối với vấn đề thẩm quyền quyết định hoàn thuế, Luật Quản lý thuế hiện hành giao cục trưởng cục thuế hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý thu có thẩm quyền quyết định hoàn thuế, không phân biệt theo thẩm quyền phê duyệt của dự án đầu tư, độ lớn khoản được hoàn hoặc mức độ phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao của một số trường hợp giải quyết hoàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để bảo đảm việc kiểm soát hoàn tiền thuế từ ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng đối tượng, giảm thiểu rủi ro, mất thuế, cần thiết có quy định phân cấp trách nhiệm thủ trưởng cơ quan tài chính, cơ quan thuế được quyền quyết định hoàn thuế.
Áp dụng nguyên tắc rủi ro
Theo đại diện ban soạn thảo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, để bảo đảm tính khái quát về trường hợp hoàn thuế, phù hợp với thực tế phát sinh, dự thảo Luật đã đề xuất quy định hoàn thuế theo 2 trường hợp: Hoàn theo quy định của pháp luật về thuế (theo quy định của từng sắc thuế) và hoàn trả tiền nộp thừa đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số phải nộp ngân sách nhà nước.
“Trên cơ sở đó, chương Hoàn thuế tại dự thảo đã quy định rõ về hồ sơ hoàn thuế; các trường hợp hoàn thuế; tiếp nhận phản hồi thông tin hồ sơ hoàn thuế, và thẩm quyền quyết định hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế”, ông Lưu Đức Huy cho hay.
Về thẩm quyền hoàn thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đã quy định rõ về thẩm quyền hoàn thuế. Theo đó, thẩm quyền đối với trường hợp hoàn thuế theo chính sách bao gồm: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi phát sinh số tiền thuế được hoàn ban hành quyết định đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế). Thẩm quyền đối với hoàn nộp thừa, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý khoản thu ban hành quyết định.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nữa là vấn đề kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Điều 77 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước theo nguyên tắc rủi ro từ cao xuống thấp và chậm nhất trong 5 năm kể từ ngày quyết định hoàn thuế. Thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế đối với hồ sơ hoàn thuế được thực hiện theo quy định tại luật này”. Quy định này được cho là phù hợp với những cải cách thủ tục hành chính thuế theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tổng cục Thuế khẳng định, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ hoàn thiện các quy định về hoàn thuế với mục tiêu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong giải quyết hoàn thuế dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế qua công tác quản lý của cơ quan thuế và thu thập từ các cơ quan khác có liên quan.
Đồng thời sẽ cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết hoàn thuế, rõ ràng về cơ chế trách nhiệm trong giải quyết hoàn thuế. Cụ thể, đối với một số trường hợp hoàn thuế nộp thừa, việc hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân thì không yêu cầu gửi giấy đề nghị hoàn, mà thông tin đề nghị hoàn sẽ căn cứ trên tờ khai thuế để giải hoàn thuế. Ban soạn thảo Luật cũng yêu cầu Chính phủ quy định cụ thể hồ sơ hoàn thuế đối với các trường hợp được hoàn thuế nộp thừa tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư.