Nghệ An: Điểm sáng về cải cách thuế và nộp thuế điện tử
(Taichinh) - Tính đến cuối tháng 5/2015, tổng số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử tại Nghệ An là 6.238, đạt 90,95% với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước qua hình thức này đạt gần 595 tỷ đồng.
Hoàn thành chỉ tiêu 90% DN nộp thuế điện tử
Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016. Theo đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo từ tổng thể đến từng bộ, ngành với những đầu việc, chỉ tiêu cụ thể. Cụ thể đối với ngành thuế trong năm 2015 phải triển khai nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh thành với mục tiêu đến hết năm 2015 có 90% DN nộp thuế điện tử.
Trong bối cảnh không ít địa phương triển khai còn chậm, Nghệ An đã nổi lên như một điểm sáng, là địa phương đi đầu về cải cách thủ tục Thuế và triển khai nhân rộng việc nộp thuế điện tử. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết, Nghệ An là một trong những địa phương đã hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao về tỷ lệ nộp thuế điện tử.
Cụ thể, tính đến đến cuối tháng 5/2015, tổng số người nộp thuế đã đăng ký dịch vụ này là 6.238/6.893 doanh nghiệp (đạt 90,95%) với tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước qua hình thức này là gần 595 tỷ đồng. Cục Thuế Nghệ An đã thành lập Tổ chỉ đạo do một Phó Cục trưởng làm Tổ trưởng, triển khai quyết liệt việc nộp thuế điện tử và có sự giám sát tiến độ sát sao.
Một trong những yếu tố quan trọng để Nghệ An đạt được kết quả trên là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh và các ban ngành liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết 19 nói chung và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương nói riêng. Các Chi Cục Thuế đạt kết quả thấp phải có báo cáo giải trình và đề xuất biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, Cục Thuế Nghệ An đã có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các ngân hàng trên địa bàn như BIDV, Vietinbank, MB, Agribank… cùng các đơn vị về công nghệ thông tin khác.
Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết bên cạnh thuận lợi, Nghệ An cũng có những khó khăn như có diện tích rộng, trải dài từ vùng núi xuống miền biển. Các DN chủ yếu là vừa và nhỏ, siêu nhỏ, với trình độ về công nghệ thông tin (CNTT) chưa đồng đều và có thói quen sử dụng tiền mặt. Do đó, trong giai đoạn đầu, một số ngân hàng, doanh nghiệp còn có những vướng mắc về vấn đề công nghệ, chưa quen trong việc kết nối giữa các hệ thống.
Phó Giám đốc BIDV Nghệ An Trần Văn Tính cho biết: Sau hơn 9 tháng phối hợp triển khai nộp thuế điện tử, BIDV Nghệ An đã có 670 DN đăng ký thành công. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, số tiền nộp thuế theo hình thức mới là 215 tỷ đồng. BIDV cũng là ngân hàng có doanh số từ doanh nghiệp nộp thuế điện tử cao nhất trên địa bàn.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn e ngại, nhận thức chưa đúng, chưa quan tâm đúng mức về việc nộp thuế điện tử. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đơn giản là "theo thói quen" hoặc lãnh đạo DN lo bị mất tiền khi giao cho cán bộ tự chuyển tiền qua mạng.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng là không như các DN trên địa bàn, hệ thống hạ tầng CNTT trong ngành Thuế tỉnh Nghệ An tương đối mạnh. Thậm chí năm 2013, Cục thuế Nghệ An đã dẫn đầu trong việc sẵn sàng ứng dụng CNTT trong nhóm các Cục Thuế trên toàn quốc.
Để giải quyết vướng mắc kịp thời, Cục Thuế đã tăng cường đội ngũ cán bộ thông tin có kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp với ngân hàng. Đồng thời, Cục Thuế Nghệ An cũng đã thống nhất chủ trương khi DN nộp tiền thuế, nhưng nếu vì lý do khách quan như ngân hàng chuyển tiền chậm thì hệ thống tin học sẽ không tự động chuyển sang chế độ phải nộp phạt do chậm nộp thuế.
Một trở ngại nữa đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là doanh thu và lợi nhuận thấp; trong khi đó sẽ phải chi khoảng 4 triệu/năm cho việc triển khai nộp thuế điện tử (riêng dịch vụ chữ ký số là hơn 2 triệu).
Ông Hải đề nghị cần phải có sự rà soát nghiêm túc đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số, vì suy cho cùng cải cách thủ tục mà không làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, thậm chí còn tăng thêm phí thì việc cắt giảm thủ tục, hiện đại hóa cũng không có ý nghĩa.
Để khắc phục việc phát sinh chi phí cao đối với doanh nghiệp nhỏ khi nộp thuế điện tử, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số thực hiện đúng các quy định về cung cấp dịch vụ, cạnh tranh lành mạnh, có chính sách giảm giá để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia nộp thuế điện tử.
Ông Võ Duy Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Vinh cho biết: Chi cục đặt mục tiêu đến ngày 30/7 sẽ có 100% DN nộp thuế điện tử (sớm trước 5 tháng so với lộ trình được giao). Lãnh đạo Chi cục sẽ trực tiếp chỉ đạo từng đội nỗ lực đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.
“Chúng tôi gắn việc triển khai nộp thuế điện tử với các chỉ tiêu thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức, nắm tiến độ từng ngày về tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào chưa làm và phải nêu rõ lý do. Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc của DN trong quá trình nộp thuế điện tử, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể”, ông Đức khẳng định.
Ông Võ Duy Đức cho biết đang rà soát những doanh nghiệp chưa thực hiện để tổ chức đối thoại, trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc. Cho đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã thống nhất chủ trương. Vấn đề phải nâng cao nhận thức của DN về nộp thuế điện tử, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và của chính mình.
Về phía ngân hàng, Phó Giám đốc BIDV Nghệ An Trần Minh Tính cho rằng, thời gian tới, cần có sự tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn nữa của các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa và lợi ích của nộp thuế điện tử. Các ngân hàng cần yêu cầu cán bộ lồng ghép nội dung nộp thuế điện tử qua các buổi làm việc và tư vấn trực tiếp cho khách hàng.
BIDV Nghệ An sẽ giao chỉ tiêu khách hàng sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đến từng phòng nghiệp vụ và từng cán bộ, thực hiện giám sát kết quả định kỳ. Ngân hàng cũng đảm bảo vận hành hệ thống dịch vụ an toàn, đảm bảo, thật chất lượng để khách hàng thấy rõ tính ưu việt của việc nộp thuế điện tử.