Sửa đổi quy định về phân luồng tờ khai để phòng ngừa gian lận

Theo baohaiquan.vn

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đang trong giai đoạn hoàn thiện trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành. Trong quá trình đó, Tổng cục Hải quan (đơn vị chủ trì soạn thảo) vẫn tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của DN.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội). Nguồn: PV.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội). Nguồn: PV.

Trong đó, vấn đề phân luồng tờ khai hải quan có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, tuyệt đại đa số các DN làm ăn chân chính sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này.

Phân luồng đáp ứng quản lý

Liên quan đến quy định về thời điểm phân luồng tờ khai hải quan, từ dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, ban soạn thảo đã có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, thực tế hiện nay, khi khai báo tờ khai, hệ thống VNACCS tự động phân luồng Xanh, Vàng, Đỏ ngay sau khi hệ thống tiếp nhận dữ liệu tờ khai; thời điểm phân luồng đối với tờ khai hàng hóa XNK là thời điểm DN đăng ký tờ khai chính thức; không phụ thuộc vào hàng đã đến kho, bãi, cảng hay chưa.

Việc thực hiện thông báo kết quả phân luồng như trên phát sinh một số rủi ro trong công tác quản lý hải quan, dễ dẫn đến lợi dụng gian lận. Theo đó, DN có thể khai báo nhiều tờ khai cho một lô hàng và lựa chọn tờ khai có luồng kiểm tra nhẹ nhất để làm thủ tục hải quan. Chẳng hạn khi biết trước tờ khai luồng Đỏ, DN có thể thực hiện khai lại tờ khai khác, hủy tờ khai luồng Đỏ, hoặc thực hiện khai bổ sung để hợp thức hóa các hành vi gian lận; hoặc DN có thể dỡ bỏ hàng hóa buôn lậu từ nước ngoài để nhằm gian lận hoặc hợp thức hóa gian lận. Khi biết tờ khai phân luồng Xanh (miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), DN có thể gian lận thông qua việc đóng thêm hàng hóa từ phía nước ngoài trước khi về Việt Nam.

Một bất cập nữa là đối với hàng hóa XK, khi biết trước luồng, DN có thể xếp thêm hàng, hoặc dỡ bớt hàng để nhằm gian lận hoặc hợp thức hóa gian lận. DN cũng có thể gian lận thông qua khai báo thiếu số lượng hàng hóa. Khi tờ khai được phân luồng Đỏ, biết được cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra thực tế, DN tiếp tục thực hiện khai thêm một tờ khai khác để bổ sung số lượng hàng hóa thiếu so với tờ khai ban đầu để hợp thức hóa gian lận.

Trước thực tế này, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thổng tư 38/2015/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm thông báo kết quả phân luồng. Tuy vậy, qua các lần lấy ý kiến dự thảo Thông tư, nhiều ý kiến DN cho rằng cần có quy định cụ thể, để tránh gây khó khăn cho DN, kéo dài thời gian lấy hàng do chờ kết quả phân luồng.

Theo phản ánh của các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, quy định thắt chặt thời gian thông báo kết quả phân luồng sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, gây ùn tắc tại cảng, DN không chủ động kế hoạch vận chuyển, không phù hợp với Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến của DN, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động XK, gia công, sản xuất hàng XK, theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định về thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai theo hướng: Kết quả phân luồng được thông báo ngay sau khi cơ quan Hải quan đăng ký tiếp nhận tờ khai hải quan trong các trường hợp: Hàng hóa XK; hàng hóa NK của DN ưu tiên; hàng hóa NK phục vụ gia công, sản xuất XK, chế xuất; hàng hóa NK đưa từ khu phi thuế quan vào nội địa, hàng hóa XNK tại chỗ.

Các trường hợp khác, cơ quan Hải quan thông báo kết quả phân luồng cho người khai hải quan sau khi hàng hóa đến cửa khẩu hoặc được tập kết tại khu vực kho, bãi, cảng theo thông báo của DN kinh doanh cảng, kho bãi hoặc xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát tại cửa khẩu nhập của hải quan cửa khẩu nhập.

Việc thông báo hàng hóa đến cửa khẩu hoặc được tập kết tại khu vực kho, bãi, cảng hoặc xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát tại cửa khẩu nhập được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc hệ thống xử lý dữ liệu hải quan tự động.

Giảm tiếp xúc giữa hải quan và DN qua hệ thống điện tử

Cũng trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, Ban soạn thảo cũng tiếp tục tiếp thu ý kiến DN hoàn thiện các quy định liên quan đến hồ sơ hải quan.

Theo phản ánh của các công ty dệt may khu vực phía Bắc, việc quy định DN phải gửi các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan Hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan khi đăng ký tờ khai hải quan ở dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử tại khoản 8 Điều 16 làm tăng thời gian khai báo lên 30%, tăng thêm nhân lực, chi phí cho DN và quan ngại hệ thống hải quan không đảm bảo việc lưu giữ, đường truyền bị chậm… DN kiến nghị chỉ gửi chứng từ đối với lô hàng luồng Vàng, Đỏ.

Về vấn đề này, theo ý kiến của Ban soạn thảo, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan không phải nộp trực tiếp hồ sơ tại trụ sở cơ quan Hải quan đối với các lô hàng bị phân luồng Vàng, Đỏ như quy định hiện nay, góp phần giảm chi phí phát sinh do phải đi lại và hạn chế tiêu cực phát sinh do sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và người khai hải quan; đồng thời để đảm bảo công tác quản lý hải quan, phục vụ cho việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan đối với các lô hàng luồng Xanh, dự thảo Thông tư có bổ sung quy định cho phép người khai hải quan được nộp hồ sơ hải quan thông qua hệ thống thông quan tự động, không phải đến nộp tại trụ sở cơ quan Hải quan.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định đối với các chứng từ gửi qua hệ thống, người khai hải quan không phải ký tên, đóng dấu xác nhận trên các chứng từ, điều này cũng góp phần giảm chi phí, thời gian cho người khai trong việc photo, chuẩn bị hồ sơ hải quan. Về phần hệ thống  và tốc độ đường truyền, Tổng cục Hải quan sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo để không ảnh hưởng đến thông quan hàng hóa.

Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho rằng, nhiều ý kiến của DN Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo. Đối với quy định thời điểm phân luồng tờ khai hải quan, Ban soạn thảo sẽ cố gắng để số lượng những DN nhận thông báo kết quả sau khi hàng hóa đến cửa khẩu nhập ở mức độ hợp lý, đủ để cơ quan Hải quan có thể phòng ngừa được gian lận, tuyệt đại đa số các DN làm ăn chân chính sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này. Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng lưu ý các DN, song song với quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, cũng cần lưu ý cả đến những nội dung tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến thanh lý, XK tại chỗ, giám sát, hồ sơ hải quan sẽ là vấn đề lưu ý, không bắt DN thêm khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Để đảm bảo các quy định sát với thực tiễn hơn nữa, phù hợp với đặc thù kinh doanh của DN, mới đây, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục tổ chức hội nghị hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, qua đó đã tiếp tục ghi nhận được nhiều ý kiến của DN về các vấn đề liên quan đến: Phân luồng tờ khai; hồ sơ hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; XNK tại chỗ; giám sát hải quan; định mức hàng gia công, sản xuất XK, chế xuất…