Cải cách và hướng đến những nguồn lực mới
Để duy trì được tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cần tập trung vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách để giúp nâng cao năng suất lao động, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực tài chính - ngân hàng, tăng cường nguồn thu ngân sách và điều kiện tốt hơn cho khu vực tư nhân để trở thành động lực phát triển kinh tế.
WB tự hào là đối tác của Việt Nam
Dù có một lịch trình làm việc dày đặc với lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22-24/3/2017, Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva vẫn dành một khoảng thời gian cho báo chí.
Và bà nói: “Những gì tôi thấy được trong chuyến thăm này và nhìn lại những gì đã chứng kiến khi tôi đến Việt Nam năm 2000 đã làm trái tim tôi ấm lại. Tôi xin gửi lời chúc mừng đến Chính phủ, người dân Việt Nam vì những tiến bộ đã đạt được. WB cũng rất tự hào là một đối tác của Việt Nam”.
Bà Kristalina Georgieva cho biết, mức tăng trưởng kinh tế trên 6% mà WB dự báo đối với kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tới có thể xem là hết sức ấn tượng xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, mức đầu tư thấp, mức độ dễ tiên liệu của chính sách kinh tế ngày càng giảm đi. Tuy nhiên, cần lưu ý những động lực tăng trưởng truyền thống như lao động giá rẻ, dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng sẽ không tồn tại mãi nên Việt Nam cần phải tạo nền móng để có được động lực tăng trưởng mới và vững bền hơn cho nền kinh tế.
“Điều này cho thấy sự cần thiết phải tập trung vào nguồn nhân lực và những kỹ năng mà trong tương lai nền kinh tế sẽ cần. Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục đào tạo, cả ở bậc phổ thông và sau phổ thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân” – bà chia sẻ.
Giám đốc WB dẫn chứng, rất nhiều công việc đang hiện hữu hiện nay thì 10 năm về trước không có. Và cũng sẽ có rất nhiều công việc mới sẽ xuất hiện trong tương lai mà đến nay chúng ta chưa biết được. Điều đó đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị cho người lao động để họ nhanh nhạy đáp ứng được với biến chuyển của tình hình. Và muốn làm được thì cần đẩy mạnh những cải cách, tập trung vào chất lượng nguồn lực nhân lực. “Tôi nghĩ đây sẽ là yếu tố quyết định thành công của Việt Nam trong tương lai 10-20 năm tới”, bà nói.
Để duy trì được tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cũng cần tập trung vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách để giúp nâng cao năng suất lao động, tiếp tục cải cách DNNN, khu vực tài chính - ngân hàng, tăng cường nguồn thu ngân sách và điều kiện tốt hơn cho khu vực tư nhân để trở thành động lực phát triển kinh tế.
Là người từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Phát triển bền vững của WB phụ trách chính sách và cho vay hạ tầng, phát triển đô thị, nông nghiệp, môi trường và phát triển xã hội, bà Kristalina Georgieva cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết tốt hơn những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo ở các khu vực miền núi và dân tộc thiểu số...
Bà cũng thông tin, để giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường và giảm nghèo, WB đang chuẩn bị ký kết các chương trình có tổng giá trị 1,8 tỷ USD cho Việt Nam, trong đó có một dự án về hỗ trợ giảm nghèo và một chương trình lớn về quản lý tài nguyên nước và cải thiện môi trường đô thị. Bên cạnh đó, WB cũng sẽ có những hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, phát triển khu vực tư nhân… trong thời gian tới.
Quản lý tài khóa thận trọng
Liên quan đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, bà Kristalina Georgieva đánh giá những bước cải thiện mà Việt Nam đã tiến hành thời gian qua là rất tích cực. Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở cửa và đóng cửa hoạt động, tạo ra các cơ hội để người dân có thể khởi nghiệp kinh doanh dễ dàng cũng như hỗ trợ cho các DNNVV phát triển.
“Lời khuyên của chúng tôi là, Chính phủ cần quan tâm đến những nhân tố như khả năng dễ tiên liệu, dễ dự đoán của luật pháp minh bạch cách thức triển khai các quy định, cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột. Đây là những cải cách rất cần thiết cho DN và người dân Việt Nam nói chung”, bà nói.
Trong quá trình đó, WB đã hỗ trợ Việt Nam thông qua một loạt hợp tác để giúp tạo ra các điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh tốt hơn cũng như thúc đẩy cải cách ngân sách và tài khóa. Các hỗ trợ như vậy sẽ được WB tiếp tục trong thời gian tới.
Giám đốc WB cũng cho rằng, việc quản lý tài khóa một cách thận trọng là rất quan trọng để đảm bảo kinh tế bền vững. Trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách cao hiện nay, Việt Nam sẽ cần tăng thu, giảm chi ngân sách. Các biện pháp để tăng thu ngân sách nếu thiết kế tốt thì sẽ đảm bảo cho ngân sách tốt hơn.
Đơn cử, cần xác định cách thức làm sao để cấu trúc và đưa ra được cơ chế thu hồi vốn trong cung cấp dịch vụ công (cung cấp điện, nước, thu gom rác…). Hay làm rõ cơ chế đóng góp vào ngân sách khi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các lĩnh vực công…
Về chi ngân sách, ngoài việc tăng cường tính hiệu quả thì cải cách khu vực DNNN cũng rất quan trọng. Vì khi DNNN hoạt động hiệu quả hơn, sự tham gia của tư nhân lớn hơn sẽ giúp Việt Nam có được tình trạng ngân sách tốt hơn và từ đó có thêm dư địa đầu tư cho nguồn lực con người, cho nghiên cứu phát triển.
Về hỗ trợ của WB, bà cho biết cơ quan này đã và sẽ tiếp tục có những tư vấn chính sách, giới thiệu kinh nghiệm của các nước khác cho Việt Nam. Bên cạnh đó, WB cũng xem lại cả những chương trình, dự án mà WB tài trợ, để làm sao các chương trình cho vay của WB ngày càng hiệu quả hơn.
“Mục đích là để đảm bảo rằng, cùng với số tiền vay đó từ WB nhưng tác động tài chính tổng thể có thể lớn hơn nhiều, như vậy sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm ở Việt Nam”. Chính vì vậy mà “trong làm việc với các nhóm cán bộ của WB ở Việt Nam, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, với từng đồng USD cho Việt Nam vay, phải làm sao phát huy tối đa lực bẩy tài chính của nó để tác động có thể tích cực hơn nữa”- bà cho biết.