Quản lý vay trả nợ của chính quyền địa phương ra sao?
Thời gian qua, việc quản lý vay nợ của các cấp chính quyền địa phương được quản lý hết sức chặt chẽ. Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) tiếp tục thể hiện nguyên tắc này khi đưa ra các quy định khắt khe về quản lý vay trả nợ của chính quyền địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Mới đây, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ cũng quy định rõ, UBND tỉnh phải công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước, Nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước... Việc công khai báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: Phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Một là, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Hai là, có kế hoạch vay theo từng nguồn vốn để đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công được hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Ba là, trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu thì đề án phát hành trái phiếu phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Bốn là, trị giá khoản vay, phát hành trái phiếu phải trong hạn mức trần dư nợ và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Dự thảo cũng quy định đối với vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Trường hợp vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện gồm:
Một là, được cấp có thẩm quyền cho phép vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách địa phương.
Hai là, có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Ba là, vốn vay lại phải đảm bảo không vượt quá hạn mức dư nợ của chính quyền địa phương và mức bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bốn là, ngân sách địa phương cam kết bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước hoặc uỷ quyền cho tổ chức tài chính, tín dụng trên địa bàn phát hành; Ký kết thoả thuận vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo các quy định tại Luật này.
Dự thảo Luật Quản lý nợ công yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan phát sinh từ việc vay của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chính phủ quy định chi tiết việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay ngân hàng thương mại trong nước, cho vay lại chính quyền địa phương từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.