Hạ tầng đường sắt: Chưa đầu tư sẽ chưa có đột phá
Sự thụt lùi của thị phần vận tải đường sắt hiện nay là do giá cước và thời gian vận chuyển khó cạnh tranh với các loại hình khác. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào hạ tầng và tổ chức vận hành. Vì thế, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho rằng, nếu không có chương trình đầu tư lớn để hiện đại hóa hạ tầng sẽ không có đột phá phát triển ngành đường sắt.
Quyền và nghĩa vụ đã rõ
Vận tải đường sắt có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Vậy thưa ông, vì sao thị phần của loại hình vận tải này ngày càng thu hẹp?
Ông Nguyễn Văn Doanh: Sản lượng vận tải đường sắt hằng năm vẫn duy trì ổn định trên dưới 20 triệu tấn quy đổi/năm. Nhưng đúng là vai trò của đường sắt ngày càng bị thụt lùi, thị phần ngày càng bị thu hẹp. Năm 1986 là 27,5%, thì năm 2016 chỉ còn 2%.
Sự thụt lùi của thị phần vận tải đường sắt trước hết do thiếu vốn đầu tư. Kể từ chương trình khôi phục đường sắt sau chiến tranh thực hiện từ năm 1976, hiện vẫn chưa xây dựng thêm hoặc mở rộng năng lực khai thác. Vốn đầu tư cho đường sắt chỉ đáp ứng nhu cầu duy trì trạng thái kỹ thuật hiện có.
Một nguyên nhân khác là mạng đường sắt bị thu hẹp mất kết nối hàng hóa với các phương thức vận tải khác. Trước sức ép về ách tắc giao thông, hầu hết các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển đã bị tháo dỡ, mà nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp cũng chưa tiếp cận với loại hình vận tải này.
Trong khi đó, hạ tầng đường bộ, hành không, cảng biển những năm qua được đầu tư mạnh mẽ, nên năng lực cạnh tranh ngày càng cao hơn so với ngành đường sắt. Tất nhiên, cũng có một phần do ngành đường sắt chậm thay đổi về mô hình tổ chức quản lý vận hành, chất lượng phục vụ khách, hàng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Việc quy định pháp luật chưa phân định rõ quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu với đối tượng sử dụng hạ tầng đường sắt có là nguyên nhân khiến hạ tầng đường sắt lạc hậu, giảm sức cạnh tranh so với các loại hình vận tải khác?
Theo quy định pháp luật hiện hành, kết cấu hạ tầng đường sắt là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Việc quản lý, khai thác tài sản này được giao cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện.
Và được sự phân công của cơ quan chức năng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hiện là đối tượng sử dụng tài sản này. Chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của “đại diện chủ sở hữu nhà nước” gồm Bộ Tài chính (quản lý tài sản, phí, giá cho thuê), Bộ Giao thông - Vận tải (quản lý vận hành, khai thác), Bộ Xây dựng (quản lý xây dựng, bảo trì công trình), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (quản lý đầu tư phát triển)… Quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu với đối tượng sử dụng hạ tầng đường sắt đã rõ. Vấn đề ở đây là quyền và nghĩa vụ thực thi như thế nào.
Thí dụ như việc phân bổ nguồn lực công chẳng hạn, việc tập trung nguồn lực công đầu tư vào đường bộ và hàng không bỏ quên đường sắt và đường thủy là sai lầm về chính sách đã tạo ra sự mất cân đối giữa các phương thức giao thông cần phải có sự điều chỉnh.
Rất khó thực hiện xã hội hóa
Để khai thác hiệu quả đường sắt đòi hỏi có những yếu tố nào?
Hiệu quả khai thác bất kỳ ngành giao thông nào đều dựa vào hiệu suất khai thác, song chủ yếu phải từ giá cước và thời gian vận chuyển - hai nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào hạ tầng và tổ chức vận hành. Hạ tầng càng hiện đại (đường đôi, điện khí hóa, tốc độ cao, giao cắt khác mức...) thì chi phí vận hành thấp và ngược lại.
Tương tự cùng một hạ tầng tổ chức vận hành hợp lý, chi phí thấp và ngược lại. Nói cách khác, nếu không có một chương trình đầu tư lớn để hiện đại hóa hạ tầng sẽ không có sự đột phá phát triển ngành đường sắt. Mô hình tổ chức vận hành hợp lý hơn cũng chỉ cải thiện phần nào hiệu quả khai thác đường sắt.
Việc thu hút vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng đường sắt có khả thi không?
Việc thu hút đầu tư vốn xã hội vào đường sắt hay còn gọi là “xã hội hóa đường sắt” là một chủ trương đúng, nhưng rất khó thực hiện. Vì hoạt động này không có lợi thế về thương mại do suất đầu tư lớn và không có khả năng tự hoàn vốn đầu tư. Nếu đầu tư đường bộ cao tốc cần vốn mồi từ Nhà nước 40%, thì đường sắt cần 80%.
Để xã hội hóa đường sắt, chúng ta cần phải chia tách các hoạt động đường sắt ra nhiều mảng, mảng nào có lợi thế thương mại sẽ xã hội hóa, mảng nào không có lợi thế thương mại Nhà nước sẽ đầu tư. Ví dụ như mảng hoạt động vận tải (đầu máy, toa xe) và hạ tầng hỗ trợ vận tải (nhà ga, bến bãi) có thể chuyển dần cho khu vực tư nhân.
Mảng hạ tầng cốt lõi là hệ thống đường sắt và điều hành giao thông cần được Nhà nước đầu tư và nắm giữ, để cung cấp dịch vụ giao thông và có thể định hướng hoạt động đường sắt. Việc xã hội hóa đường sắt chỉ khả thi nếu tiếp cận theo định hướng này.
Xin cảm ơn ông!